Là địa điểm quan trọng và thi đấu sớm nhất, chính vì thế Bung Karno lúc này mang hơi thở nóng nhất của SEA Games 26.
Sân vận động Bung Karno
SVĐ Gelora Bung Karno là “trái tim” của SEA Games 26 khi tổ chức tới 16 trận đấu bóng đá nam, trong đó có trận “khai mạc” giữa U23 Việt Nam với U23 Philippines ngày 3/11 và toàn bộ các trận bán kết lẫn chung kết.
Là địa điểm quan trọng và thi đấu sớm nhất, chính vì thế Bung Karno lúc này mang hơi thở nóng nhất của SEA Games 26. Hãy cùng phóng viên báo Bóng đá tại Jakarta khám phá xem Bung Karno đã chuẩn bị như thế nào trước ngày khai hội.
Con đường dẫn đến SVĐ Bung Karno lúc này đã rợp pano áp phích cổ động cho SEA Games 26. Đây không phải là sân lâu đời nhất nhưng là sân đấu lịch sử của bóng đá Indonesia. Nó được xây để phục vụ Asian Games 1962. Tên sân được đặt theo tên vị Tổng thống đầu tiên của Indonesia, Soekarno.
Cổng chính dẫn vào SVĐ Bung Karno rất hoành tráng và lạ mắt. Được biết, đích thân Tổng thống Soekarno đã giám sát thiết kế và thi công SVĐ này.
Con đường dẫn vào SVĐ Bung Karno rất rộng và cách cổng hơn 2km chỉ dành cho đi bộ. Vì xe cộ bị cấm vào sát cửa nên tránh được tình trạng ùn tắc, chen lấn ở các sự kiện lớn, thu hút hàng vạn người.
Có đến 12 cổng vào sân Bung Karno. Không khí SEA Games lúc này đang bao trùm khắp các cửa ngõ vào sân.
Phía bên trong sân, các công nhân đang sơn sửa lại và chuẩn bị những khâu cuối cùng để Bung Karno sẵn sàng cho các trận đấu bóng đá. Sân này đăng cai tới 12 trận bóng đá nam vòng bảng, ở cả bảng A và B. Ngoài ra, 2 trận bán kết và 2 trận tranh huy chương cũng được tổ chức ở Bung Karno.
Theo đánh giá của nhóm phóng viên báo Bóng đá, mặt cỏ SVĐ Bung Karno rất mượt nhưng mặt sân lại hơi cứng. Do mặt sân cứng, nếu các cầu thủ không làm quen trước rất dễ dính chấn thương khi thi đấu.
Các hàng ghế liền ở SVĐ Bung Karno trông cũng khá lạ mắt, kiểu như ghế chờ xe buýt ở Việt Nam. Hiện tại, sức chứa của sân này là 88.083 chỗ ngồi, gấp đôi sân Mỹ Đĩnh ở Hà Nội. Ấn tượng hơn, khi đưa vào sử dụng năm 1962, sân Bung Karno có sức chứa nguyên bản lên đến 100.800 người, thuộc hàng "khủng" của thế giới.
Cho đến hôm nay, cả 2 cầu môn của sân Bung Karno còn chưa mắc lưới. Một nhân viên chăm sóc sân tiết lộ, phải đến 1 ngày trước khi môn bóng đá chính thức thi đấu, lưới mới được mắc cho... mới.
Không chỉ dịp SEA Games mà kể cả ngày thường, sân Bung Karno vẫn là điểm đến yêu thích của người dân Indonesia. Xung quanh sân là nơi tập luyện và chơi đùa của trẻ em, thanh thiếu niên Jakarta.
Đức Cường (Jakarta - Indonesia)