Ngày 29/9, nước lũ tiếp tục lên cao xấp xỉ mức báo động 3, nhiều vùng dân cư đầu nguồn lũ ở hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã chìm trong nước.
Năm nay, ĐBSCL mở rộng diện tích lúa thu đông nên lũ lớn đổ về gây thiệt hại nặng nề, nhất là hệ thống đê bao ở ĐBSCL không chịu được lũ lớn, trong tuần qua đã vỡ nhiều nơi làm mất trắng hơn 1.000 ha lúa của tỉnh An Giang, gần 700 ha lúa của tỉnh Đồng Tháp.
Hiện nay, các địa phương đang dồn sức giữ đê để bảo vệ lúa thu đông, hầu hết chỉ khoảng một tháng nữa là thu hoạch. Việc giữ đê khá vất vả, nước lũ nhiều nơi đã cao hơn mặt đê, nên phải đóng cọc vào chân đê, căng bạt ni nông để đổ đất vào, đua cùng mức lũ dâng cao mỗi ngày không cho tràn qua đê.
Nhiều tuyến đê phải cử lực lượng thường trực suốt ngày đêm, vừa không ngừng tôn cao mặt đê vừa sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sạt lở, xuất hiện mạch ngầm đe dọa thân đê.
Lãnh đạo huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), nơi vỡ đê ngày 23/9 làm mất trắng 200 ha lúa, đang dồn sức bảo vệ tuyến đê Thường Thới Tiền dài 23 km, cho biết “không sợ nước lũ dâng, chỉ sợ vỡ đê”.
Một số hình ảnh PV ghi được từ Đồng bằng sông Cửu Long:
Nước lũ mênh mông nhấn chìm hai bờ sông Tiền
Đầu nguồn sông Tiền, nơi giáp với Campuchia, nước lũ ngang thân cây cổ thụ
Nhiều vùng dân cư ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đi lại bằng thuyền, bè
Dãy phố thị trấn Tân Châu (An Giang) bị nước lũ tấn công
Giữ đê Thường Thới Tiền (Hồng Ngự, Đồng Tháp)
Giữ đê ở thị trấn Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp)
Theo VTC