(ĐVO) Một số thú chơi được coi là thời thượng của người dân thành thị đang tiếp tay đắc lực cho việc hủy hoại thiên thiên nhiên tại nhiều vùng miền trên cả nước.
Trong xã hội hiện đại, nhiều người cố tạo cho mình cảm giác gần gũi với thiên nhiên bằng những vật liệu lấy từ thiên nhiên. Từ đó, những thú chơi gắn với thiên nhiên trở nên thịnh hành trong các đô thị như thú chơi lan rừng, chơi cây đại thụ cảnh, chơi động vật hoang dã quý hiếm, chơi sinh vật biển và chơi đá cảnh… Tuy vật, chính những thú chơi tưởng như tao nhã này đang góp phần vào việc hủy hoại môi trường thiên nhiên tại nhiều nơi ở Việt Nam.
Thú chơi cây đại thụ cảnh
Thú chơi cây đại thụ cảnh là một thú chơi dành cho giới “đại gia”, mới xuất hiện trong những năm gần đây. Những người theo thú chơi này sẵn sàng bỏ ra "tiền tấn" để được sở hữu những cây cổ thụ có hình dáng gân guốc, cổ quái, được bứng nguyên gốc từ rừng về trồng vào sân, vườn nhà mình. Cây càng to, càng có dáng đẹp thì người chơi càng thể hiện được đẳng cấp của mình.
Thú chơi này đã khai sinh ra một hình thức lâm tặc mới. Thay vì chặt hạ các cây gỗ quý, những tên lâm tặc mới chỉ nhắm vào những cây cổ thụ có giá trị thẩm mỹ cao, có thể bán với giá từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng.
Một cây đại thụ bị đưa về từ rừng và rao bán công khai trên mạng.
Hình thức lâm tặc này đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh miền Trung như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định và một số tỉnh phía bác như Ninh Bình và Nam Định.
Cũng giống như hình thức lâm tặc cũ, dù bị chính quyền địa phương ngăn cấm, nhưng tình trạng khai thác cây đại thụ trong rừng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.
Trên phương diện sinh thái, thú chơi cây đại thụ cảnh đang góp phần tàn phá nặng nề những cánh rừng nguyên sinh, ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường sinh thái. Việc bứng tận gốc rễ những cây rừng lớn làm tăng nguy cơ sói lở đất đai, gây lũ lụt lớn đe dọa đời sống và sinh mạng của cư dân ở hạ nguồn.
Thú chơi sinh vật biển
Đem rừng về nhà còn chưa đủ, với người chịu chơi, mang cả… đại dương vào nhà mới là đẳng cấp. Do vậy, từ vài năm gần đây, thú chơi sinh vật biển đã nổi lên như một thú chơi của người có tiền.
Những chiếc bể lớn với nhiều loài cá cảnh biển thướt tha, rực rỡ và những rạn san hô lung linh, huyền ảo có thể khiến người chứng kiến ngất ngây.
Nhiều loại cá cảnh biển hiện giờ đã được con người nhân nuôi thành công, nhưng một số lượng rất lớn cá cảnh biển hiện vẫn được khai thác trực tiếp từ tự nhiên. Trong số đó nhiều loài đang trở nên khan hiếm và có nguy cơ biến mất ngoài biển khơi.
Với san hô, vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Là loài sinh vật có tốc độ phát triển rất chậm, khó nuôi trồng trong điều kiện nhân tạo, san hô dành cho người chơi sinh vật biển phần lớn được khai thác từ tự nhiên.
Ở Việt Nam, sự phát triển mạnh của thú chơi sinh vật biển đã sinh ra nghề khai thác và buôn bán trái phép san hô. Theo cảnh báo của viện Hải dương học Nha Trang, hàng loạt rạn san hô ở vùng biển các tỉnh Đà Nằng và Khánh Hòa đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Được coi là rừng nguyên sinh dưới biển, rạn san hô là mái nhà của hàng nghìn loài sinh vật biển có giá trị về kinh tế và khoa học. Do đó, cái chết của các rạn san hô cũng đi kèm với sự biến mất của các loài này.
Thú chơi đá cảnh
Chơi sinh vật cảnh đã đành, không ít người đeo đuổi một thú chơi không kém phần kỳ công: chơi đá cảnh. Đây là thú chơi những hòn đá đã trải qua quá trình kiến tạo địa chất đặc trưng, được mài giũa bởi thiên nên mang những màu sắc, hoa văn và hình thù đẹp và lạ mắt.
Những người chơi đá cảnh sưu tầm chúng làm vật trang trí trong tư gia, và nhiều khi là mang tính phong thủy. Mỗi viên đá cảnh có giá từ vài trăm nghìn cho đến hàng trăm triệu đồng, tùy theo kích thước và mức độ độc đáo của chúng.
Đá cảnh được bày bán tràn lan bên đường quốc lộ. Ảnh: Báo Lao Động.
Thú chơi này tưởng như vô hại, nhưng thực chất cũng gây nên những hệ lụy không kém phần nghiêm trọng về môi trường sinh thái.
Thú chơi đá cảnh đã làm mọc lên nhiều công trường khai thác đá cảnh ở các tỉnh Bình Định và Yên Bái. Tại những công trường này, màu xanh và sự yên tĩnh nguyên thủy của các ngọn núi đã phải nhường chỗ cho những mảng đục khoét nham nhở đất bùn, tiếng dùi đục chát chúa vào những phiến đá mà thiên nhiên mất hàng triệu năm tạo dựng.
Tại tỉnh Gia Lai, một loại đá cảnh có nguồn gốc từ gỗ hóa thạch cũng bị khai thác tràn lan, làm biến dạng cảnh quan tại nhiều vùng rừng núi.
Một dạng đá cảnh khác là đá san hô, được khai thác bằng việc đục khoét các rặng san hô ở ven biển miền Trung, gây tác hại khôn lường cho môi trường sinh thái biển.
Thú chơi động vật hoang dã quý hiếm
Chơi vật nuôi làm cảnh là một thú chơi ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Với nhiều người theo thú chơi này, sở hữu những loài động vật hoang dã quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ là một cách để khẳng định phong cách riêng của mình.
Bởi vậy, thị trường buôn bán các loài động vật hoang dã phục vụ cho người nuôi làm cảnh đang nở rộ dưới nhiều hình thức, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho giới con buôn.
Chỉ với vài trăm nghìn đồng trong túi, người chơi đã có thể mua cho mình một một chú đại bàng dũng mãnh, một con kỳ đà xanh đầy gai góc, cu li cuộn tròn đầy lông lá, hay những chú rùa núi vàng, núi viền, rùa hộp quý hiếm và nhiều loài khác tại các khu chợ ở Hà Nội và TP HCM. Việc mua bán diễn ra dưới hình thức công khai hoặc bán công khai. Đây đều là những loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.
Có thể nói, thú chơi này chính là một sự tiếp tay cho nạn sắn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Tệ nạn này đang đe dọa nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học, đẩy nhanh tốc độ suy vong của nhiều loài động vật quý hiếm ở Việt Nam.
Thú chơi lan rừng
Như một hơi thở trong lành của núi rừng, đối với nhiều người, giò phong lan rừng là điều gì đó không thể thiếu trong không gian sống của họ.
Nếu phong lan xuất xứ từ vườn ươm mang vẻ đẹp chỉn chu, quý phái và giá thành khá cao thì ngược lại, phong lan rừng lại quyến rũ người chơi bởi vẻ thô mộc, hoang dại và giá thành rất rẻ, chỉ từ vài chục nghìn cho đến trên 100.000 đồng.
Lan rừng bày bán ở Hà Nội.
Điều đó đã dẫn đến tình trạng săn lan và buôn lan rừng diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước, từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên, yên Bái, Lào Cai… cho tới các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Gia Lai, Kon Tum…
Một đội quân săn lan đông đảo đã được hình thành. Mỗi ngày, đội quân này lấy đi hàng ngàn cụm lan tại những khu rừng nguyên sơ. Từ đó, lan rừng ùn ùn tràn về bày bán công khai tại các khu du lịch, các thị xã, thành phố và xuất qua biên giới với giá rẻ mạt.
Những người khai thác lan rừng không ngần ngại cưa cả những đoạn cành, thân cây lớn có chứa cụm lan cho tăng vẻ thô mộc và giá trị của lan rừng.
Việc tận diệt lan rừng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sự đa dạng sinh học của nhiều cánh rừng, khiến nhiều loài lan quý hiếm có nguy cơ biến mất ngoài môi trường thiên nhiên.
Quốc Lê