VIỆT NAM - Khác với mọi năm, một phần vì mưa lạnh, phần khác vì không khí nhàn nhạt, có thể nói Trung Thu năm nay, trẻ em ở các tỉnh miền quê của miền Trung Việt Nam cảm thấy không vui và hụt hẫng. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chính vẫn là kinh tế.
Cho đến trưa ngày 14 tháng 8 Âm lịch, các cửa hàng đầu lân, các loại hàng Trung Thu vẫn ế ẩm... (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Sự mất giá của đồng tiền, vàng tăng giá đột ngột, mọi thứ vật giá liên tục leo thang, lạm phát và thất nghiệp. Ðó tưởng là câu chuyện của người lớn. Nhưng cũng là câu chuyện của trẻ em Việt Nam.
Quà Trung Thu cho các em thiếu nhi năm nay không có gì nhiều, bánh kẹo nhập từ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ được mua phát cho trẻ em miền quê. Trẻ em thành phố thì nhận quà cho vui chứ không thèm đoái hoài tới.
Ở Bình Ðịnh, tình hình của một số huyện ven biển cũng không có gì khác, kẹo bánh không rõ xuất xứ, phụ huynh các em phỏng đoán đó là kẹo bánh Trung Quốc.
Một số huyện xa trung tâm tỉnh lị của các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Cũng gặp trường hợp tương tự, kẹo bánh Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ (mà phần lớn người ta đã đoán ra đó cũng từ Trung Quốc).
Lân ế thì bánh cũng te tua. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Vì những hàng hóa cho Trung Thu của Trung Quốc có giá thành rất rẻ, dễ kiếm lãi và mẫu mã cũng bắt mắt nên thường được các bà ở các hội phụ nữ các vùng quê mua về làm quà cho các em trong các buổi phát bánh Trung Thu tập thể. Chuyện nguy hiểm sau khi ăn bánh kẹo này vào không phải ngày một ngày hai mà thấy, nên cũng dễ qua mắt mà lấy lãi...
Những em nhỏ trong đội lân Ngũ Phụng Tề Phi của huyện Ðiện Bàn, Quảng Nam cho biết: “Ngũ Phụng Tề Phi năm nay đói kém, phần thì trời mưa, phần thì ế ẩm, bị các đội lân khác giựt khách, chẳng kiếm được bao nhiêu đồng... Năm nay còn có cả lân Hip Hop gì đó nữa, nhưng vẫn thua lỗ”.
Một đại diện đội lân khác mang tên Ngũ Phụng Sơn, Hội An, cho biết: “Năm nay có cả lân của tỉnh khác đến Hội An kiếm ăn, nói là Tết thiếu nhi nhưng thật ra toàn người lớn dắt trẻ con đi múa lân kiếm cơm, có lúc giành khách, đánh nhau sứt đầu, mẻ trán là chuyện bình thường!’
Trưởng đội lân khác mang tên Sư Môn Nguyên Thiều, thuộc huyện Tuy Phước, Bình Ðịnh, cho biết: “Chưa năm nào tệ như năm nay, nạn giành khách, giành tiền đánh nhau, thậm chí mướn giang hồ bảo kê, chém nhau hoặc gờm nhau diễn ra đầy ở Bình Ðịnh, tệ quá! Chẳng còn tinh thần võ sĩ gì hết! Năm nay lân thua lỗ te tua...”
Tình hình các đội lân thì lộn xộn, đói kém, còn những chủ nhà, chủ doanh nghiệp thì cũng tranh thủ đóng cửa sớm hoặc đóng cửa hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật (tức 13, 14 tháng 8 Âm lịch), nại lý do nghỉ cuối tuần để tránh lân đến “thăm nhà”.
Chủ một đại lý nước ngọt ở Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam cho biết: “Kinh tế năm nay đói kém, hàng bán không chạy, nhất là hàng Trung Quốc tuồn vào quá nhiều, mà lân thì đầy đường, thôi phải đóng cửa trốn bớt chứ không thì có mà mất tiền. Lân bây giờ cũng cò kè bớt một thêm hai lắm, chán lắm, nghèo sinh tật mà!”
Chủ một cửa hàng bánh ở Ðà Nẵng than thở: “Chưa có năm nào mà bánh Trung Thu hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc tuôn qua ào ào. Bánh thật phải giảm xuống còn 50% giá mà vẫn ế. Từ mồng 10 đã giảm giá rồi, mọi năm thì qua rằm Trung Thu mới giảm giá. Năm nay ế ẩm quá, trời thì mưa lạnh, người thì đói kém, thấy lân tới là sợ!”
Có thể nói, Trung Thu năm nay, đâu đâu cũng có một điểm chung: Hàng Trung Quốc quá nhiều, hàng Việt ế ẩm, tình hình các đội lân thanh thiếu niên lộn xộn, giành giật và bạo lực, bánh Trung Thu có nguồn sản xuất Việt Nam tuy đã giảm xuống còn 40% giá gốc nhưng vẫn bị ế chưa từng thấy.
Qua cái Tết Trung Thu ảm đạm của thiếu niên, nhi đồng, cũng nói lên được nỗi niềm của người lớn trong tình hình chung của đất nước!
Phương Ngạn/Người Việt