"Lấy cho em một gói 3 nghìn, gói 8 nghìn, gói 10 nghìn như hôm qua nhé!", chị Kim Thúy, nhân viên một công ty du lịch tại quận 3, TP HCM, đến mua cơm trắng trên đường Nguyễn Thông, gọi bà chủ quán.
|
Khách nườm nượp chờ mua cơm trắng ở quán chị Nga trên đường Nguyễn Thông. Ảnh: Thi Ngoan.
|
Cầm 3 bọc cơm trắng phau nóng hổi còn bốc khói, chị Thúy cho biết, thay vì buổi trưa ăn cơm tiệm tốn gần 20.000 đồng một suất, chị và các đồng nghiệp rủ nhau "góp gạo thổi cơm chung", người mua cơm trắng, người lo thức ăn rồi dọn ra dùng chung vừa vui vẻ lại tiết kiệm.
"Mình có nhiệm vụ mua cơm còn các bạn kia lo thức ăn, có hôm thì cá chiên, hôm thì thịt kho, cũng đầy đủ đồ xào, canh ăn ngon lắm. Rồi mọi người vừa ăn vừa trò chuyện, vui mà rẻ nữa, tính ra mỗi người chỉ hết 10.000 đồng", Thúy kể.
Với tấm biển "bán cơm không" viết tay hoặc in trắng đen, xung quanh khu vực ga Sài Gòn có đến 5, 6 tiệm bán cơm trắng trưa nào cũng đông nghịt khách.
Chị Nga, chủ một tiệm trên đường Nguyễn Thông (quận 3) cho biết, hàng ngày có đến 400, 500 khách đến đây mua. Trung bình mỗi ngày chị bán được hơn 200 kg cơm trắng với giá từ 8.000 đến 9.000 đồng một kg tùy theo chất lượng gạo.
"Có người dặn cả chục ký mang về công ty, có người ăn một mình chỉ mua vài nghìn, mua bao nhiêu tôi cũng bán", chị vui vẻ tiếp chuyện trong lúc làm việc.
|
Cơm trắng nấu sẵn nóng hổi có giá từ 7.000 đến 9.000 đồng. Ảnh: Thi Ngoan
|
Cũng làm việc ở gần khu vực ga Sài Gòn, ông Sơn, nhân viên bảo vệ trường Tiểu học Ánh Sáng ngày nào cũng ghé mua cơm, riết rồi thành khách quen của quán chị Nga. Đặt hàng 3 bọc cơm trắng cho mình và đồng nghiệp với giá 15.000 đồng, ông cho biết mỗi bữa trưa chỉ ăn hết 3.000 đồng cơm trắng, còn thức ăn ông nấu sẵn ở nhà mang đi.
Ông Sơn tâm sự, với mức lương bảo vệ gần 2,5 triệu đồng, nếu ngày nào cũng ăn cơm tiệm thì không để dành được đồng nào. Vì thế để tiết kiệm, ông mang cơm nấu sẵn ở nhà đến công ty ăn. "Nhưng khổ nỗi cơm để từ sáng đến trưa nguội ngắt à. Cũng may từ hồi phát hiện quán bán cơm trắng này, tôi chỉ mang theo thức ăn, còn cơm đến trưa mới mua ăn cho nóng. Thời bão giá mà, phải biết tằn tiện mới sống được", ông Sơn phân trần.
|
Đĩa cơm khoảng 4 chén như thế này có giá 4.000 đồng. Ảnh: Thi Ngoan
|
Có thâm niên bán cơm trắng lâu nhất ở khu vực ga Sài Gòn này là bà Gái, năm nay gần 60 tuổi, bà đã có 11 năm gắn bó với cái nghiệp này. Quán của bà nằm lọt trong con hẻm nhỏ trên đường Cách Mạng tháng Tám, khách hàng chủ yếu là người nghèo, sinh viên, giới văn phòng, người bán vé số, hành khất và các đơn vị từ thiện. Nhờ bán được số lượng nhiều nên giá cả ở tiệm này cũng rẻ hơn chỗ khác, trung bình từ 7.000 đến 8.000 đồng.
Bà Gái kể, tiền thân của hình thức bán cơm trắng này là "bắt chước" cách làm cơm nắm của ông Thọ (cũng ở xóm này nhưng bây giờ đã sang nước ngoài sống). "Hồi đó khu vực ga Sài Gòn nhiều người nghèo lắm, không có tiền ăn tiệm nên anh Thọ mới nấu cơm rồi nắm chặt lại bán rẻ cho người nghèo hay khách đi tàu mua ăn với muối vừng", bà Gái kể.
Rồi khi ông Thọ xuất cảnh đi nước ngoài, không còn ai làm nghề này nên bà Gái cùng với một số người trong khu vực mới rủ nhau nấu cơm trắng bán với giá rẻ, ai yêu cầu cơm nắm thì chủ sẽ nắm chặt dùm, nhưng đa phần khách chỉ mua cơm nóng về ăn. Rồi cũng chỉ có tấm biển viết tay hoặc in trắng đen "bán cơm không", từ đó quán của anh Hiếu, anh Hoàng, chị Nga... lần lượt nối tiếp nhau ra đời.
Nghề nấu cơm trắng này cũng vất vả, lợi nhuận không nhiều nhưng được cái ổn định. Hiện nay, mỗi ngày tiệm của bà Gái bán được khoảng 300 kg cơm, kiếm lời từ 100.000 đến 150.000 đồng. Khi tuổi già sức yếu, một mình làm không xuể, bà phải huy động cả gia đình hàng ngày thức dậy từ sớm, người vo gạo, người đứng bán, còn lại thì đi giao cơm tận nơi theo yêu cầu.
"Hồi trước gạo rẻ nên cơm chỉ 2.000 đồng một ký, mà ở đây chỉ có một hai tiệm nên lúc nào cũng đông nghẹt khách, nhất là từ 10h30 đến 12h30 bới cơm mỏi nhừ tay luôn. Còn bây giờ có nhiều quán bán nên khách đến đây cũng ít hơn, chỗ nào tiện thì họ đến mua thôi", bà Gái vừa nói vừa lấy cơm cho khách.
Thi Ngoan
VnE