Cuối đời “nằm trên manh chiếu rách” đột nhiên phát tài với việc trúng 7,6 tỷ đồng vé số, những tưởng cuộc sống của gia đình cụ già sẽ đỡ cực khổ, ai ngờ đến thời điểm này cụ còn khổ hơn. Cụ bà đã mất. Giờ cụ ông đi... ở nhờ.
Một phút lên tiên…
Cụ Nguyễn Văn Hết, ngụ tại hẻm 341 Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, TP. HCM, trước đây khi còn khoẻ mạnh, cụ chuyên làm nghề chạy xích lô kiếm sống, sau đó chuyển qua nghề bán vé số nhặt nhạnh từng đồng sống qua ngày.
Những người hàng xóm cụ Hết cho biết, trước nay, vợ chồng cụ chỉ sống một mình, không có người thân chăm nom. Cụ Hết chỉ có 2 người gọi cụ bằng cậu và 2 người con riêng của vợ.
Cả hai vợ chồng già, ông 97, bà 82 sống đơn độc, tá túc trong căn nhà tình thương được chính quyền địa phương xây dựng suốt ngần ấy năm và thuộc diện xóa đói giảm nghèo của phường. Cứ ngỡ cuộc sống bần hàn với gian nhà chật chội, đồ dùng thiếu trước hụt sau sẽ theo hai tấm thân già cho đến lúc về với tiên tổ, nhưng chỉ sau một đêm với “giấc mơ đổi vận”, cụ Hết khiến những người hàng xóm choáng váng.
“Tối hôm trước, tui nằm chiêm bao, thấy cô hồn về báo mộng rằng tôi trúng số độc đắc. Ba lần chiêm bao trong đêm đó đều như vậy. Tui nghĩ mình tới số thật rồi”. Nghĩ vậy nên sáng ngày 28 Tết, năm 2010, thấy chị bán vé số quen đến chào mời, trong túi còn 10.000 đồng, cụ mua một tờ. Chợt nhớ trong nhà còn 100.000 đồng của một người quen trong khu phố lì xì nên ông lấy ra mua thêm 5 tờ vé số.
Cụ Hết và vợ thời điểm trúng vé số
Đến chiều cùng ngày, cụ Hết cầm 6 tờ vé số đem nhờ một người hàng xóm dò xem. Kết quả, cụ trúng 5 số độc đắc và một giải “an ủi” với tổng số tiền 7,6 tỷ đồng.
Choáng ngợp vì bỗng phút chốc cả đống tiền “đè” nặng nên khi nhận được tiền, cụ lấy từng cục ra phân phát cho hàng xóm kẻ ít, người nhiều để cảm tạ tấm lòng hàng xóm đã cưu mang mình.
Có người hỏi cụ ước gì nhất, lúc ấy cụ chỉ đưa ra một lý do giản đơn: "Muốn mua cho bà vợ vài bộ quần áo mới để mặc, ra chợ mua cục thịt về kho một nồi đầy ăn cho đã và mua cái tivi mới 21 inch coi cho vui thôi. Còn nữa, nâng cái nhà này cao hơn một chút cho thoáng mát, chứ ở như vầy nóng quá, chịu không nổi".
Từ khi trúng vé số, cả hai thân già này càng khổ hơn khi mỗi ngày tiếp đãi hàng chục người từ khắp nơi ồ ạt kéo về. Căn nhà chật hẹp trước đây vắng bóng người thân đến thăm nom, nay mỗi ngày hàng xóm thấy có cô này, chú nọ đến nhà nhận làm con cháu để xin tiền cụ.
Nhiều người không thể tin được rằng, từng đó năm sống đơn độc, chẳng thấy có con cháu nào đến thăm, chăm sóc. Vậy mà chỉ một ngày may mắn thành tỷ phú, “người quen” từ ở đâu khắp nơi cứ kéo đến nườm nượp hỏi han, nhận ông cụ là chỗ thân thích.
Vốn không còn minh mẫn, lại “quá nhiều tiền” chẳng biết tiêu vào việc gì nên cứ ai đến cụ cũng cho. Thời điểm đó, ngôi nhà cụ thành điểm bất an và khiến chính quyền địa phương đau đầu vì lo sợ có kẻ xấu lợi dụng hãm hại các cụ.
Số tiền trúng vé số, cụ đã được chính quyền địa phương hỗ trợ về mặt tư vấn pháp lý, giúp cụ gửi tại ngân hàng ACB số tiền 5 tỷ đồng do Hội người cao tuổi trông nom theo nguyện vọng của cụ Hết. Mọi việc chi tiêu của cụ như cho ai, giúp ai đều được ghi cụ thể, rõ ràng, tránh thất thoát và dư luận không hay.
Tỉ phú đi… ở nhờ
Một ngày đầu tháng 9 này, chúng tôi quay trở lại căn nhà của cụ Hết để tìm hiểu về cuộc sống của cụ từ lúc trúng vé số. Thế nhưng, ở căn nhà mới xây còn thơm phức mùi sơn, bên ngoài phủ một lớp gạch men trắng bóng, không khi lại quạnh quẽ đến lạ thường.
Bên ngoài cửa đóng then cài. Hỏi hàng xóm thì mọi người chỉ lắc đầu cho biết, từ lúc trúng vé số tới giờ, ngôi nhà ấy thêm lạnh lẽo hơn. Vợ cụ Hết là bà Nguyễn Thị Ba đã chết chỉ sau khi trúng vé số được vài tháng.
Điều khiến nhiều người hàng xóm cảm thấy “đau” nhất chính là khi cụ bà mất đã không thấy nhiều “bà con, con cháu ở xa” tìm đến thăm hỏi, chia buồn như lúc cụ trúng tiền vé số.
Giờ ngôi nhà mới được sửa sang lại từ lúc cụ thành tỷ phú trở nên vắng tanh, cánh cửa lúc nào cũng khóa im ỉm
Giờ căn nhà của cụ không còn mấy ai qua lại, cũng không mấy người đến hương khói cho cụ bà.
Hàng xóm bảo, từ lúc cụ bà mất, cụ ông thêm u buồn, sầu não nhiều. Dù cuối đời nhiều tiền thật đấy nhưng sống trong cảnh cô độc, lại không có con cái nên có đứa cháu đã đón cụ về sống cùng ở quận Gò Vấp, TP.HCM.
Ngoài những thông tin ít ỏi ấy, không ai có thể biết cuộc sống của cụ giờ thế nào. Chỉ thỉnh thoảng, cụ có ghé qua nhà thắp nén hương cho vợ rồi lại âm thầm rời khỏi nhà luôn.
Kể cả chúng tôi khi cố lần tìm địa chỉ của cụ, số điện thoại của người cháu đã đón cụ về chăm sóc nhưng tất cả những người hàng xóm ngụ tại hẻm 341 Lạc Long Quân đều lắc đầu.
Uyên Giang
Theo Bưu Điện Việt Nam