Xin đừng quá khắc khe với người làm ngành y
- Các anh, chị cũng đừng có cái nhìn khắc khe quá đối với những người làm ngành y, và đừng chỉ nhìn vào những cái chết không rõ nguyên do mà “kết tội” cả một thế hệ bác sĩ, y tá vô trách nhiệm.
Ảnh minh họa
Đọc tâm sự của bạn TG tôi hoàn toàn thấy đồng ý với quan điểm của bạn và cũng đã hiểu được phần nào nỗi khổ tâm của những người làm ngành y. Tôi cũng không có ý bênh vực những người làm ngành y, tuy nhiên theo tôi các bạn cũng nên có cái nhìn khách quan, và thấu đáo về mọi vấn đề, đừng quá hà khắc với những người làm ngành y.
Về những cái chết của những người bệnh
Đúng là thời gian gần đây đã bắt đầu xuất hiện một số trường hợp bệnh nhân bị chết do sự bất cẩn và vô trách nhiệm của bác sĩ, điển hình như vụ bệnh nhân 16 tuổi Dương Thị Thu Huyền ở tỉnh Cà Mau vừa xảy ra hồi tháng 6/2011 vừa qua… Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là “sự cố” ngoài ý muốn của các bác sĩ, y tá do chủ quan, không lường hết được hậu quả mà thôi. Chứ chẳng ai cố ý muốn gây ra cái chết cho bệnh nhân để rồi vướng vào phiền toái giống như các bác sĩ, y tá ở đây cả.
Các anh, chị cũng đừng có cái nhìn khắc khe quá đối với những người làm ngành y, và đừng chỉ nhìn vào những cái chết không rõ nguyên do mà “kết tội” cả một thế hệ bác sĩ, y tá vô trách nhiệm,… hằng ngày họ cứu được bao nhiêu con người thoát khỏi lưỡi hái tử thần sao các anh, chị không mang ra mà so sánh, kể lể, cứ chỉ nhìn vào những cái sai, cái thiếu của họ mà xét nét, lên án như thế có công bằng và khách quan không?.
Thử một lần nhìn rộng ra các ngành khác đi, cũng đầy rẫy những cái chết thương tâm do bất cẩn, do sai phạm đấy thôi. Điển hình nhất là ngành giao thông, tình trạng tai nạn giao thông hàng ngày vẫn diễn ra, làm chết bao nhiêu con người, vậy thì trách tại ai, và trách ai đây?.
Hay như ngành xây dựng, mỗi năm cũng có không biết bao nhiêu vụ dẫn đến chết người, điển hình nhất là vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vừa qua, rồi tòa nhà KeangNam- Hà Nội, trong quá trình xây dựng cũng khiến bao nhiêu mạng người phải ra đi. Rồi an toàn lao động,…vậy thì kêu ai, trách ai?.
Không nên nhìn thấy hiện tượng mà đánh giá bản chất
Bố tôi cũng là một người làm ngành y, cũng phải đi sớm về khuya, cũng phải trực đêm hôm rất vất vả, nên tôi muốn nói với các anh chị rằng, đừng chỉ nhìn vào hiện tượng mà đánh giá sai về bản chất vấn đề. Đúng là gần đây hiện tượng các bác sĩ, y tá lấy phong bì của người bệnh đã trở nên bình thường, một số bệnh viên các bác sĩ, y tá còn cố tình “gợi ý” để người nhà bệnh nhân phải đưa phong bì ra, điều đó là có thật, ở đây ai cũng đã từng có người nhà đi viện, cũng đã từng một vài lần chứng kiến cảnh đó.
Nhưng có gì là sai đâu, lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng thì bắt buộc họ phải “hành động” để cứu mình. Đó là chuyện bình thường, quy luật sinh tồn mà, có gì là to tát đâu. Có cung thì có cầu, người nhà bệnh nhân muốn họ thức cả đêm để chăm sóc cho người thân của họ, muốn “ới” lúc nào là bác sĩ, y tá phải có mặt ngay lúc đó, muốn được phục vụ với thái độ nhiệt tình, nhã nhặn, thì phải “bồi dưỡng” họ vài đồng cũng là việc nên làm chứ. Đây cũng là văn hóa sống, theo kiểu có đi, có lại thôi mà. Hãy coi đây giống như một dịch vụ “theo yêu cầu” ở các bệnh viện hiện nay vẫn đang làm để bệnh nhân được hưởng những chế độ chu đáo hơn. Người nhà bệnh nhân cũng nên xác định, đi viện là phải tốn kém, đừng tiếc mấy đồng bạc khi vào viện,…
Cũng giống như các ngành khác cả thôi, như ngành giao thông, một số cảnh sát đứng đường vẫn “kiếm tiền” của người tham gia giao thông đấy thôi. Ngành giáo dục, cứ vào đầu năm học mới thì bao nhiêu khoản tiền phải đóng góp, nào là xây dựng trường, rồi thì đồng phục,… rồi thì việc “đi chùa thầy”. Ông bà ta cũng có câu: Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy, chữ “yêu” ở đây nó nhiều hàm ý lắm. Mang áp dụng vào ngành y tế cũng thế thôi, muốn người nhà khỏi bệnh thì phải “chăm sóc” bác sĩ cho tốt, chứ chả ai muốn bỏ công, bỏ sức ra mà chả nhận được gì cả.
Độc giả Tuấn Hưng (Hà Nội)
theo phunutoday