Theo Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ (BLS), hai nghề được cho là nguy hiểm nhất nước Mỹ trong năm 2010 là khai mỏ và cảnh sát.
Vụ tai nạn tại giàn khoan dầu của hãng dầu khí Anh BP trên vịnh Mexico đã góp phần khẳng định nghề khai mỏ là công việc nguy hiểm nhất nước Mỹ năm 2010.
Theo đó, tại các mỏ tư nhân, số công nhân bị thương trong các vụ tai nạn lao động đã tăng lên 74% so với năm trước đó. Cụ thể, năm 2009 có 99 trường hợp, nhưng năm 2010 đã tăng đột biến lên 172 trường hợp.
Nổ giàn khoan Deepwater Horizon trên vịnh Mexico.
Tỉ lệ tử vong của các công nhân khai mỏ cũng tăng mạnh từ 12,4% năm 2009 lên 19,9% năm 2010. Nổi bật trong năm ngoái là vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon của hãng dầu mỏ British Petroleum (BP), làm 11 công nhân thiệt mạng và gây ra thảm họa tràn dầu kinh hoàng nhất trong lịch sử khai khoáng nhân loại. Ngoài ra, vụ nổ mỏ than Upper Big Branch thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng Massey hồi tháng 4 năm ngoái ở Tây Virginia cũng đã giết chết 29 thợ mỏ.
Xếp ngay sau nghề khai khoáng, cảnh sát được xem là nghề nguy hiểm thứ hai trên đất Mỹ với số người tử vong tăng 40% so với năm 2009. Cụ thể, có 96 cảnh sát tử vong khi làm nhiệm vụ năm 2009, nhưng con số này đã tăng vọt lên 134 người chỉ một năm sau đó. Trong tổng số các cảnh sát tử nạn năm 2010, có 57 trường hợp chết vì các sự cố liên quan đến đường cao tốc và 48 trường hợp dính líu đến các vụ giết người.
Dù vậy, bảng đánh giá của BLS cho thấy tổng số ca tử vong vì tai nạn nghề nghiệp năm 2010 là 4.547 người, giảm 4 người so với năm 2009. Con số này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi ngày, có 12 người “tử vì nghiệp” trên đất Mỹ.
T.M
Theo Bưu điện Việt Nam