Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, mặc dù có nhu cầu nhưng người dân hiện nay không mặn mà với xe buýt. Nguyên nhân là do thái độ phục vụ của lái và phụ xe thiếu văn minh, chửi bới, thậm chí đánh đập khách. Ngày 19/8, Sở GTVT Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông xe buýt.
Tại đây, nhiều lãnh đạo của Sở GTVT vạch ra những “tật xấu” lái xe buýt thường xuyên mắc phải nhưng việc xử lý chưa đủ mạnh, không mang tính răn đe dẫn tới việc người dân Hà Nội ngày càng xa rời xe buýt, mặc dù được trợ giá.
Người dân xa lánh xe buýt
Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị - Nguyễn Hoàng Hải cho biết, từ đầu năm đến nay đã kiểm tra, lập gần 1200 biên bản xe buýt vi phạm quy định hoạt động (tăng 185% so với cùng kỳ năm 2010). Theo ông Hải, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng tốt yêu cầu của đông đảo hành khách.
Nhu cầu đi xe buýt rất cao nhưng chất lượng phục vụ lại gây phản cảm với hành khách
Kết quả điều tra cho thấy có 65% hành khách phàn nàn về chậm giờ, 16% phàn nàn về thái độ phục vụ kém, 5% kêu ca về tệ nạn trên xe và 4% lo lắng vì lái xe chạy ẩu. Trong số trên 1.200 vụ vi phạm quy định về hoạt động xe buýt bị lập biên bản xử lý có 40% vi phạm về doanh thu, hơn 12% chạy sai lộ trình, 5,5% chạy không đúng biểu đồ, 8,4% dừng đón trả khách không đúng quy định.
“Tình trạng xe buýt vi phạm luật giao thông vẫn còn phổ biến với những hiện tượng như: vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng còi hơi tùy tiện… Trong 6 tháng đầu năm đã có trên 18 vụ tai nạn, gần 100 vụ vi phạm luật giao thông liên quan tới xe buýt đã bị xử lý”, ông Hải cho biết.
Qua thực tế kiểm tra, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hoàng Văn Mạnh chỉ ra hàng loạt tồn tại của ngành xe buýt hiện nay như: không đóng cửa khi đón trả khách, chèn ép phương tiện giao thông khác, nhả khói đen ra đường, lái phụ chấp hành luật quá kém. Nhiều lái xe gian lận tuyến so với biểu đồ…
Theo ông Mạnh, chất lượng khí thải của xe buýt ít được quan tâm. Chính vì vậy mà mỗi khi lái xe nhấn ga, khói đen kịt phả vào mặt người đi đường. Ngoài ra, phanh xe cũng không bảo đảm an toàn.
Sẽ thu giấy phép doanh nghiệp vi phạm
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh cũng thừa nhận việc xe buýt vi phạm rất nhiều, lái và phụ xe hành xử thiếu văn hóa, nói năng thô lỗ, thậm chí chửi bới, đánh đập hành khách. “Mặc dù có nhu cầu nhưng người dân hiện nay không mặn mà với xe buýt”, ông Linh nói.
Cũng theo ông Linh, nguyên nhân dẫn tới việc người dân mất thiện cảm với phương tiện vận tải công cộng này là vì tình trạng xe buýt vi phạm luật giao thông khá phổ biến, đặc biệt là việc tạt ngang gây tai nạn. Ngoài ra, tại các điểm dừng, bến đỗ, trạm trung chuyển có nhiều đối tượng trộm cắp, móc túi, thậm chí rất hung hãn, sẵn sàng đánh lại người dân khi bị phát hiện, bắt giữ… Việc này cũng diễn ra thường xuyên trên xe buýt.
Nhiều người thiếu thông tin về hoạt động của xe buýt
Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tiến hành thanh, kiểm tra xe buýt đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp xe buýt tỏ thái độ bất hợp tác, cố tình gây khó khăn. Ông Linh cho biết, nhân viên giám sát ở các điểm kiểm tra còn bị đầu gấu hành hung. “Tôi khẳng định là nội bộ mấy ông doanh nghiệm xe buýt thuê làm việc này”, ông Linh nhấn mạnh.
Chính vì những lý do trên, ông Mạnh kiến nghị Sở GTVT rà soát lại hành trình các tuyến xe buýt để tránh chồng lấn dẫn đến ùn tắc giao thông; mở rộng các tuyến xe ra ngoại thành để mọi người dân trong xã hội có thể tiếp cận được. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, không ký hợp đồng với doanh nghiệp không bảo đảm an toàn.
Còn ông Linh cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo các cấp, ngành liên quan phối hợp với nhau để xử lý, lập lại trật tự hoạt động của xe buýt trên toàn thành phố. Trong đó tập trung xử lý các trường hợp xe vi phạm trật tự an toàn giao thông, chấn chỉnh cách hành xử của lái và phụ xe. Ngoài ra, sẽ giao Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Công an, chính quyền địa phương có các điểm dừng đỗ xe buýt để truy quét các đối tượng trộm cắp, móc túi…
Đồng thời, Sở GTVT cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng xe buýt xuống cấp, nhả khói đen…, kiên quyết xe nào không đảm bảo sẽ không cho lưu thông trở lại.
“Mỗi năm xe buýt được Thành phố trợ giá khoảng 1.000 tỉ đồng, nếu để thất thoát thì tội sẽ rất lớn với xã hội. Nếu có doanh nghiệp nào vi phạm, chống đối… tôi sẽ gọi đơn vị ấy lên để xử lý”, ông Linh khẳng định.
Đề xuất tăng giá vé xe buýt, giảm trợ giá: Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội - Nguyễn Thị Hà Ninh đề xuất, phải tiến hành điều chỉnh tăng giá vé xe buýt để giảm trợ giá cho loại hình vận tải này. Nguyên nhân là do giá vé xe buýt hiện nay không phù hợp với điều kiện thực tế và cần phải điều chỉnh. Theo khung giá hiện nay, giá vé xe buýt dao động từ 3.000-5.000 đồng/lượt xe và giá vé tháng 80.000/tháng với đối tượng sử dụng vé bình thường và 50.000 đồng/tháng đối với học sinh, sinh viên.
Quang Phong
theo dantri