Hơn 12 năm qua, một người đàn ông tật nguyền đã miệt mài chèo thuyền trên kênh Vị Bình (Hậu Giang) để góp gạo đem vào bệnh viện giúp bệnh nhân nghèo. Đó là ông Nguyễn Phước Lâm (73 tuổi, ngụ phường 3, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang).
Ông già từ thiện
Là một người tàn tật, trong khi tuổi đời đã cao, bệnh tật cộng với sức khỏe yếu, thế nhưng hơn 12 năm qua ông vẫn miệt mài chèo đò hơn hàng chục cây số mỗi ngày để góp gạo, cưu mang những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Thoạt nhìn dáng người nhỏ thó, khuôn mặt gầy guộc, khắc khổ của ông, nhiều người sẽ nghĩ ông già này bị gàn dở, hoặc không có gia đình nên phải đi xin ăn.
Ông Lâm nhận gạo từ một người dân
Việc ông làm không ít lần đã vấp phải sự phản đối ngay từ gia đình. Con cái ông đều thành đạt và có thể lo cho ông, họ không muốn ông ngày ngày chèo đò, xin gạo, nhỡ đâu có người quen nhìn thấy lại tưởng các con đối xử bạc đãi, rồi điều tiếng của người đời làm ảnh hưởng tới công việc của họ. Còn các cháu ông thì sợ bạn bè cùng lớp nói là ông có vấn đề nên làm chuyện rỗi hơi.
Hàng xóm láng giềng lúc đầu cũng nghĩ ông có bệnh hay làm chuyện vớ vẩn. Nhưng ông bỏ qua hết tất cả chỉ với một mong muốn đem sức lực của mình góp phần làm cho người khó khăn hơn mình đỡ khổ, xã hội tốt đẹp hơn. Dần dần công việc của ông cũng được mọi người ghi nhận, cô cháu gái của ông còn xem ông là thần tượng, nó hãnh diện với bạn bè vì đi đâu cũng được hỏi thăm.
Vợ ông tâm sự: "Hơn 12 năm qua, ông ấy cứ lủi thủi chèo đò, mặc gia đình lo lắng khuyên ngăn. Tháng 12/2006, trong một lần trời gió rét ông bị tai biến mạch máu não, nằm ngay trên đường. May mà có người quen nhận ra và đưa ông vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu mới tai qua nạn khỏi. Gần một năm trời gia đình chăm sóc, thuốc thang ông mới phục hồi sức khỏe. Thế mà, đi lại được ông lại chèo đò ngay". Để vợ nói xong, ông cười hồn hậu: "Còn sức thì ráng làm những việc nhỏ nhặt này tích đức, còn giúp được cho xã hội. Mất mát gì đâu".
Hành trình góp gạo trên dòng kênh Vị Bình
"Anh Sáu ơi! Còn gạo góp hông?"- tiếng ông gọi vang vọng buổi hừng đông, trên dòng kênh Vị Bình. Tiếng gọi vừa dứt cũng là lúc chiếc ghe cũ kỹ cặp sát bờ. Từ trong nhà, nhiều người tay cầm thau gạo bước hướng ra phía ghe, ông Lâm vẫn ngồi yên, chỉ phần thân người chồm với tay lên đón lấy. Ông đặt thau gạo lên bàn cân, mở sổ ghi chép và nghiêng thau gạo đổ vào bao. Xong việc, ông nói lời cảm ơn gia chủ góp gạo rồi tiếp tục chèo ghe về phía trước.
Hành trình góp gạo ấy là công việc thường ngày của ông Lâm suốt 12 năm qua. Bà con dọc bờ kênh cũng đã quen nên cứ ngày 14-15 âm lịch là chuẩn bị sẵn gạo, kẻ ít người nhiều đem xuống kênh gom góp gửi ông Lâm mang đến sẻ chia những người khốn khó.
Chuyện góp gạo này xuất phát từ 12 năm trước khi có người hàng xóm nghèo khó lại gặp cơn bệnh ngặt nghèo. Ông Lâm nằm trằn trọc nghĩ cách giúp người đó nhưng hiềm nỗi nhà ông cũng nghèo, thân mình thì bại liệt. Thức đến sáng, ông chống tay bật dậy, lết người ra bờ kênh, bơi ghe kể hoàn cảnh của người hàng xóm cho bà con nghe và xin mỗi người một nắm gạo để giúp người hàng xóm trong cơn cùng quẫn. Nhờ sự chung sức của bà con, người hàng xóm được chữa trị qua cơn bạo bệnh.
Cũng trong năm đó (năm 1999), ông biết đến tổ cấp cơm cháo, nước sôi miễn phí Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang và hai vợ chồng ông xin góp sức. Từ đó đến nay cứ đến hẹn lại lên, chiếc ghe cũ kỹ đưa ông xuôi ngược dòng kênh Vị Bình bằng hai bàn tay nghĩa tình.
Vào ngày 14 âm lịch, ông ngược từ nhà lên đến giáp ranh P.5 (khoảng 2km), hôm sau lại xuôi dòng 3km đến Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang để giao gạo cho tổ nấu cơm, cháo. Cứ đều đặn vậy, bắt đầu từ 6h sáng và thường kéo dài đến 11h trưa, có khi tới 13h mới về tới nhà, mỗi lần vậy góp được khoảng 150kg gạo. "Hồi đầu đi góp gạo nhiều người không tin, xầm xì rằng tui xin gạo rồi đem ra chợ bán" - ông kể.
Nghe cũng buồn nhưng ông nghĩ nếu chấp nhặt những điều người đời nói thì sao hoàn thành tâm nguyện được trong khi nhiều người còn chờ từng miếng cơm, chén cháo.
Một điều ông Lâm băn khoăn bấy lâu nay là muốn đi xa hơn để góp gạo nhưng vì sức khỏe yếu. "Trước còn sức chèo ghe khỏe re, mấy năm gần đây mỗi lần đi góp gạo hai tay cứ mỏi nhừ"- ông Lâm nói.
Nhiều người ở xa biết chuyện mang gạo đến tận nhà, hoặc hôm nào ông bệnh quá không đi được bà con lại mang gạo góp. Có lần mệt quá không bơi thuyền được phải cặp sát kênh ngồi nghỉ rồi nhờ vỏ lãi kéo về nhà. "Biết tôi làm việc thiện nguyện, chủ vỏ lãi không lấy tiền xăng, tiền công" - ông Lâm kể.
Một tâm hồn cao đẹp
Biết được việc làm ý nghĩa của ông, nhiều mạnh thường quân ngỏ ý mua ghe mới nhưng ông từ chối vì theo ông, mỗi tháng chỉ đi góp gạo một lần, đến hai lần nếu nhận thì mang tiếng lợi dụng việc thiện để tư lợi cho mình.
Tính đến nay ông đã gom góp được tất thảy 12 tấn gạo. Ông chia sẻ: "Tôi vẫn nhớ như in lời Bác Hồ dặn cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo giúp đỡ người nghèo. Bây giờ đời sống nhiều gia đình ở thành phố dư giả, nhiều người lãng phí vứt những đồ vật dụng ra đường, trong khi ở các vùng quê, miền núi đồng bào phải chịu cái đói, thiếu thốn mọi mặt. Thế nên, những năm qua tôi đã tận dụng cái lãng phí của nhà giàu đem biếu cho người nghèo, lá lành thì đùm lá rách mà lá rách thì đùm lá rách hơn".
Ông Phùng Thiện Chí, tổ trưởng tổ cấp cơm cháo, nước sôi miễn phí Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang- cho biết: "Lẽ ra ở tuổi này và mang trên mình khuyết tật ông Lâm phải nghỉ dưỡng tuổi già, nhưng chính vì tâm huyết với người nghèo ông vẫn mải miết góp sức làm thiện nguyện. Đến nay, ông đã góp được trên 12 tấn gạo. ông Lâm đã nhận được nhiều giấy khen, kỷ niệm chương của Hội Chữ thập đỏ trung ương, các ban ngành từ tỉnh đến trung ương".
Ông Chí nhấn mạnh thêm: "Ông Lâm là người hiếm gặp với công việc lạ đời nhưng mang lại lợi ích cho cộng đồng, mọi người cần học tập làm theo".
T.Thúy - NDT