Được biết chiếc tàu này với thủy thủ đoàn 148 người và 27 sỹ quan đã tới TP Hồ Chí Minh hôm 27/06 nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nền hải quân.
Te Mana là từ của người Maori, thổ dân ở New Zealand, có nghĩa là 'uy quyền'.
Chiến hạm HMNZS Te Mana của hải quân New Zealand vừa cập bến Sài Gòn trong chuyến thăm kéo dài năm ngày.
Các thủy thủ trên tàu sẽ viếng thăm xã giao lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố, lãnh đạo Quân khu 7 và Binh chủng hải quân.
Họ cũng sẽ có hoạt động thi đấu giao hữu bóng chuyền với sinh viên học viện hải quân và thăm một số danh lam thắng cảnh tron g thành phố.
Đây là chuyến thăm lần thứ tư của một tàu chiến hải quân New Zealand tới Việt Nam.
HMNZS Te Mana là một trong hai chiến hạm lớp Anzac của hải quân New Zealand. Tàu chiến này đã hoạt động tại nhiều nơi trên thế giới.
Hợp tác với Ấn Độ
Trong một diễn biến khác, báo Ấn Độ cho hay Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Hải quân và đồng thời là Thứ trưởng Quốc phòng, đang có chuyến thăm nước này.
Ông Hiến đang thăm New Delhi sau khi tới Mumbai và sẽ đến Visakhapatnam để tìm hiểu thêm về khả năng hợp tác hải quân giữa hai bên.
Vào hôm thứ Hai 27/06, ông đã có cuộc gặp với người đồng nhiệm Ấn Độ, Đô đốc Nirmal Verma. Trong khi ở Ấn Độ, ông cũng sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony, Tư lệnh không quân P.V. Naik và Tổng tư lệnh Quân đội V.K. Singh.
Tàu chiến Ấn Độ đã nhiều lần cập cảng Việt Nam và hải quân Ấn Độ cũng có nhiều chương trình huấn luyện cho hải quân Việt Nam.
Một nguồn tin chính phủ Ấn được tờ Asian Age dẫn lời nói: "Ấn Độ cũng có thể cung cấp kinh nghiệm đóng tàu cho Việt Nam".
Báo này nhận xét rằng trong bối cảnh các diễn biến tại Biển Đông, Trung Quốc chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ sự hợp tác hải quân Việt Nam - Ấn Độ.
Cũng vì thế, theo giới quan sát, hai bên sẽ phải nỗ lực để chứng tỏ rằng sự hợp tác của họ không nhằm vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, như chuyên gia về quốc phòng tại Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ C. Uday Bhaskar phân tích, "Ấn Độ muốn để mở khả năng hiện diện tại Biển Đông" với tư cách một cường quốc biển.
theo bbc