Thị trường chứng khoán Mỹ đỏ rực trong phiên giao dịch ngày 15/6 do tình hình nợ công tại Hy Lạp trở nên căng thẳng hơn. Với mức giảm mạnh này, đà bứt phá trong hai phiên liền trước có thể nói là "muối bỏ bể".
Hai phiên bứt phá của chứng khoán Mỹ coi như muối bỏ bể - Ảnh: Getty.
Chốt ngày, chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt 178,84 điểm, tương ứng 1,48%, xuống 11.897,27 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 22,45 điểm, tương ứng 1,74%, xuống 1.265,42 điểm. Chỉ số Nasdaq tuột dốc 47,26 điểm, tương ứng 1,76%, xuống 2.631,46 điểm.
Khối lượng chuyển nhượng được nâng lên 7,99 tỷ cổ phiếu trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, vượt mức giao dịch trung bình hàng ngày 7,58 tỷ cổ phiếu từ đầu năm 2011 tới nay.
Hôm qua, tổ chức định mức tín nhiệm Moody's cho biết có thể hạ bậc tín nhiệm của các ngân hàng Pháp, do liên quan tới những rủi ro về nợ công của Hy Lạp. Tín hiệu này đã làm hàng loạt thị trường tài chính thế giới đổ dốc.
Chứng khoán Mỹ cùng ngày còn chịu áp lực cao từ việc giá dầu tăng vọt và tăng trưởng kém. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 nhích 0,2%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng lõi (không gồm thực phẩm, năng lượng) tăng 0,3%, mạnh nhất từ tháng 7/2008.
Thêm vào đó, sản lượng công nghiệp tháng 5 của Mỹ chỉ tăng có 0,1%, thấp hơn so với dự báo của giới phân tích. Những yếu tố này càng gây thêm lo lắng cho giới đầu tư về sự kéo lùi tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Chỉ số VIX đo lường trạng thái biến động Phố Wall tăng tới 16,8%.
Khu vực chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh, với biên độ trên 1% trong phiên hôm qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh trượt 1,04% xuống 5.742,55 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,49% xuống 3.806,85 điểm và chỉ số DAX của Đức mất 1,25% xuống 7.115,08 điểm.
Tại châu Á, ngoài tín hiệu xanh le lói của sàn chứng khoán Đài Loan, hầu hết các thị trường cũng ngập tràn sắc đỏ. Đáng chú ý, thị trường Hàn Quốc có mức giảm mạnh trên 1%, dẫn đầu toàn thị trường. Các sàn Trung Quốc, Nhật Bản đều có mức giảm khoảng 0,9%.
Nguồn: CNBC, Market Watch.