R8 Võ Lâm Chí Tôn
Join Date: Jun 2009
Location: US
Posts: 17,796
Thanks: 0
Thanked 0 Times in 0 Posts
Mentioned: 0 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 0 Post(s)
Rep Power: 33
|
Nhớ cá thính quê nhà
Với nhiều người, cá thính là một món gì đó rất lạ. Nhưng với người dân quê tôi, cá thính là một món ăn khá quen thuộc và đã đi vào nỗi nhớ của những người con xứ Quảng xa quê.
Cá thính hay còn gọi là mắm thính là một hình thức cá muối mặn rồi ủ với bột bắp rất phổ biến ở các miền quê xứ Quảng. Cá làm thính có thể là cá trích, cá bạc má, cá mòi, nhưng người quê tôi thường chọn cá nục và cá ngừ loại nhỏ bởi hai loại cá này vào mùa thịt săn chắc, tươi rói, ngon và rất rẻ, thường chỉ tầm mười ngàn một ký cá nên rất phù hợp với túi tiền của những người dân nghèo quê tôi. Vì vậy hầu như nhà nào cũng ủ cho mình vài hũ cá thính để dành.
Làm cá thính tuy đơn giản nhưng cần phải tỉ mỉ và cẩn thận từ khâu lựa chọn nguyên liệu và muối cá. Chọn những con cá nục chạch, mập mạp, sáng bóng hay cá ngừ (lớn bằng ba ngón tay) tươi, ngon mang về móc bỏ mang, ruột. Dùng nước muối nấu sôi để nguội rửa sơ qua cá cho sạch máu rồi để ráo, cho vào hũ sành để muối (nếu rửa bằng nước lạnh thì khi ủ cá sẽ ít thơm). Cứ một lớp cá thì rải một lớp muối dày. Lượng muối phải thật nhiều để đảm bảo độ mặn giúp cá không bị phân hủy và thịt cá săn cứng lại. Hũ cá được đậy kín nắp, ủ cá trong vòng một tuần cho cá “ăn” muối.
Thính làm cá ngon nhất là loại thính làm từ bột bắp. Bắp được rang trên bếp lửa cho chín, không để lửa quá lớn, sẽ làm bắp cháy, nếu lửa nhỏ thì hạt bắp sẽ không vàng và không thơm. Khi hạt bắp vàng, dậy mùi thơm ngát là khâu rang bắp hoàn thành. Bắp được mang đi giã nhỏ rồi giần lấy những hạt bắp nhỏ bằng hạt tấm. Những hạt bắp này sẽ hút nước tiết ra từ cá, vừa thơm, béo lại bùi, đậm đà, rất lạ miệng.
Cá được lấy ra khỏi hũ sành, ép nhẹ tay cho chảy hết nước và bớt độ mặn. Sau đó, rải một lớp thính dày dưới đáy hũ, đặt một lớp cá lên trên, cứ một lớp cá, một lớp thính. Dùng nan tre cài phía trên giúp cá được ép chặt, bám thính dễ dàng hơn. Đậy kín miệng hũ, ủ cá vài tuần cho đến khi cá bám thính, ánh lên màu vàng nâu, dậy lên hương thơm nồng nàn là có thể dùng được. Cá được bảo quản kỹ, để dành ăn dần quanh năm, đặc biệt là trong những ngày mùa đông lạnh giá hay những ngày mưa gió bão bùng, chợ đò cách trở.
Nhớ những ngày miền Trung oằn mình trong mưa bão, mẹ lui cui mở cái hũ sành, gắp vài con cá thính ra đĩa, thêm một ít tiêu bột, mì chính rồi chưng (hấp) cho cá nóng. Mẹ phi một ít dầu phụng với hành băm rồi rưới lên đĩa cá. Món cá thính có vị béo, thơm của dầu, hành phi, cay nhẹ của tiêu, dai và chua nhẹ của cá giúp mấy bố con tôi no bụng và ấm lòng qua những ngày mưa gió khắc nghiệt nhất của quê nhà (ảnh).
Ngoài ra, cá thính còn được gói trong lá chuối rồi nướng trên bếp than hồng hoặc kho với thịt heo ba chỉ rất ngon. Bột thính dùng để chấm dưa leo hay dưa gang cũng là một món ăn được nhiều người quê tôi ưa chuộng bởi hương thơm nồng nàn và vị mặn đậm đà rất đặc trưng, không thể lẫn vào đâu được của thính cá.
Bây giờ, cuộc sống có phần sung túc và khá giả hơn, nhưng món cá thính vẫn mãi gắn bó với người dân quê tôi như một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của quê nhà. Món ăn tuy giản dị, mộc mạc nhưng đã nuôi bao thế hệ người quê tôi khôn lớn, trưởng thành. Để rồi một ngày nào đó, nơi đất khách quê người, những người con xứ Quảng lại quay quắt nhớ về món cá thính tuy dân dã nhưng rất đậm đà của mẹ thuở nào.
Theo KIM LOAN
(Vĩnh Long Online)
|