Giữa biển trời lồng lộng, sau những tâm tình chuyện đời, chuyện nghề, chúng tôi được các lão ngư dân cùng nhiều cư dân “ăn đầu sóng, nói đầu gió” lì xì bằng những hồi ức, câu chuyện có thật và rùng rợn về các binh đoàn rắn biển khổng lồ từng một thời “đặc lềnh” tại vùng biển này.
Trong những ngày đầu xuân Tân Mão 2011, chúng tôi đến xông đất tại mũi La Gàn (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phòng, Bình Thuận) – quê hương của ngôi chùa Cổ Thạch hơn 300 tuổi, của bãi đá 7 màu được sách kỷ lục Vietbook công nhận là Bãi đá đẹp nhất Việt Nam và của đàn hải âu hàng ngàn con khi xuân về là tề tựu về đây cư trú. Giữa biển trời lồng lộng, sau những tâm tình chuyện đời, chuyện nghề, chúng tôi được các lão ngư dân cùng nhiều cư dân “ăn đầu sóng, nói đầu gió” lì xì bằng những hồi ức, câu chuyện có thật và rùng rợn về các binh đoàn rắn biển khổng lồ từng một thời “đặc lềnh” tại vùng biển này.
Người khơi mào câu chuyện rắn biển khổng lồ là ông Đặng Thoáng ,thường gọi ông Sáu Thoáng, ông từ giữ đền tại Lăng ông Nam Hải, nơi đang lưu giữ nhiều bộ xương cá voi, trong đó có bộ xương cá voi khổng lồ mà theo lời kể của những ngư dân cựu trào, ông Nam Hải lúc lụy bờ (vừa chết trôi dạt vào bờ) nặng hơn 30 tấn.
Theo cha anh đi biển từ thuở lên 10, với thâm niên hơn 5 thập kỷ gửi mình giữa trùng khơi, ông Sáu tâm tình ngần ấy thời gian lênh đênh trên biển, ông và nhiều ngư dân đồng niên chứng kiến và trải qua đủ thứ chuyện rùng mình giữa 4 bề biển nước. “Đời ngư dân lúc bấy giờ sợ nhất 3 cơn ác mộng. Đứng đầu danh sách là sóng ma gió quỷ. Tiếp đến là cá mập và sau cùng là rắn biển khổng lồ” – ông Sáu cho biết và giải thích: “Gọi sóng ma bởi đang lặng yên, chẳng có dấu hiệu gì chứng tỏ biển trời sắp nổi cơn cuồng nộ bỗng mặt biển chao động, ngay lập tức mặt nước phẳng lặng bất ngờ dân cao thành con sóng cao cả chục mét phủ xuống ghe thúng. Gió quỷ là cơn cuồng phong kiểu như lốc xoáy xuất hiện bất ngờ như sóng ma, từ trên trời chụp xuống và tạo thành xoáy nước nhấn chìm những chướng ngại trên đường dịch chuyển của nó. Đi biển mà bị sóng ma gió quỷ tập kích thì 10 phần nắm chắc phần chết đến 9”.
Biển La Gàn những ngày đầu năm bình lặng đến lạ lùng nhưng trong hồi ức của những ngư dân cao niên từng có năm dài tháng rộng gửi thân giữa trùng dương, chấp nhận bán mạng vì miếng cơm manh áo, chúng tôi cứ ngỡ như mình đang sống trong buổi hồng hoang đầy phong ba bão tố và sự rình rập của những binh đoàn ác thú từ lòng biển. “Như đã nói, sau sóng ma gió quỷ, dân biển tụi tui sợ nhất khi xuống thúng đụng phải cá mập” – ông Nguyễn Tòng, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã tặc lưỡi tuôn một tràng dài: “Sau khi rời bãi bờ tầm 10 hải lý (20km), đến vị trí đánh bắt, tài công (lái tàu) sẽ quăng neo giữ ghe giữa 4 bề biển nước rồi ra hiệu lệnh xuống thúng, khi ấy dân đi bạn (người đi cùng, ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận với chủ ghe) mỗi người sẽ rời tàu mẹ cùng chiếc thúng chai làm nhiệm vụ rải lưới, thả câu. Xuống thúng là lúc ngư dân đối mặt với vô số hiểm nguy chết người. Khoan nói đến sóng ma gió quỷ, lúc này đây chỉ cần một chút sơ sẩy, lơ đễnh người trên thúng sẽ bị hung thần cá mập bủa vây, tấn công. Tuy không khổng lồ như cá mập trên phim ảnh, dẫu cân nặng từ 100 – 300kg nhưng đám hung thần có hàm răng sắc bén như dao cạo hung dữ vô cùng. Mỗi khi đói, thấy gì có thể ăn được là chúng lao vào tấn công không khoan nhượng”.
Sau những hồi ức về sóng ma gió quỷ và hàm cá mập, đề cập đến rắn biển khổng lồ, các lão ngư dân ai nấy đều rùng mình và bật mí như cá mập, vùng biển khơi ở Tuy Phòng ngày trước đầy rẫy rắn biển. Tùng, thợ lặn chuyện săn các loài ốc và hải sâm thuộc thế hệ con cháu của các lão ngư cho biết: “Ngư dân trong vùng gọi rắn biển là đẻn. Nếu như trên nước cạn nọc độc của các loài rắn hổ được xem là biểu trưng của thần chết thì dưới biển, nọc độc của đẻn đoạt giải quán quân, độc gấp hàng trăm lần so với nọc độc của sứa, cầu gai (còn gọi là con nhum), cá mặt quỷ… (khi bị gai vây của những loài này chích, nạn nhân chỉ bị sưng phù, đau nhức chứ không dẫn đến tử vong như nọc độc của đẻn biển). So với nọc độc của các loài rắn hổ thì nọc độc của đẻn độc gấp hàng chục lần. Ngư dân đi biển nếu chẳng may bị loại này “hôn” thì ẵm chắc chiếc vé về với ông bà tổ tiên. Từng có người ngay sau khi bị đẻn cắn liền rút dao chặt vào ngón tay để tránh chạy nọc nhưng không kịp. Ngay sau đó toàn thân anh ta tím tái, hơi thở khò khè, mắt trợn tròng và chết đau chết đớn giữa khơi xa. Bạn ghe đau xót phải đưa vào hầm đá chờ xong mùa đánh bắt mới đưa được xác vào đất liền an táng”.
Tùng năm nay 40 tuổi, có thâm niên bám biển từ khi chớm tuổi 13. Gần 27 năm bập bềnh theo con sóng, Tùng cho biết từng đối mặt với hàng trăm ngàn con rắn biển thân to bằng cườm tay người lớn, dài 2 -3m, khi xuất hiện là quấn thành nùi đen đúa, lúc nhúc khiến cả một vùng biển xôn xao đến rợn người. Theo lời kể của Tùng và nhiều ngư dân, đàn rắn biển bao giờ cũng có con đầu đàn, con ấy to gấp đôi, gấp 3, con rắn cồ (bự) nhất trong đàn. “Rất khó gặp mặt chúa tể bởi vây quanh nó bao giờ cũng là nùi rắn cuồn cuộn” – Tùng kể chuyện: “Nghe ông già tôi nói dân biển lúc ra khơi xa nếu đụng mặt với rắn biển chúa đàn coi như số họ tận. Bởi con rắn chúa chỉ xuất đầu lộ diện khi bầy đàn lâm nguy. Khi ấy nó sẽ trổ hết sức mạnh, nọc độc giao chiến với kẻ thù đặng bảo vệ bầy đàn, lãnh thổ”. Bạn lặn đi cùng Tùng, dè dặt tâm tình: “Ra khơi mà đụng rắn biển là tui tuyệt đối không dám xuống thúng, phần vì sợ chẳng may sảy chân rớt xuống nước coi như toi mạng, phần vì nếu có buông lưới thì khi kéo lên chẳng có con cá nào, chỉ lúc nhúc rắn biển mà thôi”. Hỏi đã từng bị rắn biển tấn công, anh này trợn mắt bày tỏ: “Giống rắn biển nếu mình đập 1 con thì hổng hiểu sao ngay sau đó chúng kéo cả bầy đàn rồi hè nhau tấn công đối phương theo kiểu truy sát. Bởi vậy, khi kéo được mấy ổng, tụi tui bao giờ cũng trả lại xuống biển, đâu dám động vào vì sợ bị trả thù”.
Đề cập đến chuyện rắn biển khổng lồ, ông Sáu mở lời với chất giọng e dè: “Nói có lẽ chú không tin chứ kỳ thực tôi và một số người nay đã mất từng gặp những con rắn biển chúa đàn to như cái cột nhà, đen trùi trũi sợ lắm”. Vừa nói ông Sáu vỗ tay “bồm bộp vào đùi, tặc lưỡi: “Cái thân của nó to cỡ này chứ không ít, có con dài đến hơn 5 mét, trong đêm tối ánh mắt rắn chúa đàn đỏ lòm như máu.
Vào những đêm trăng sáng, khi đúng luồng rắn biển khổng lồ săn cá, dân đi bạn tụi tui chỉ biết nín thở, tài công phải tắt máy cho trôi tự do trên biển chứ không dám gây tiếng động vì sợ gây sự chú ý, biết đâu mấy ổng tấn công”. Vừa kể chuyện, ông Sáu vừa nhắm mắt mường tượng lại thời khắc của gần 40 năm trước, khi ông ở cách bờ tầm 5 hải lý và điếng hồn khi thấy đàn rắn biển khổng lồ hơn chục con lao như chẻ nước lao về phía mình.
- Chú biết con cá chình không?
Đang ngon mạch chuyện, ông Sáu đột ngột đả sang chuyện khác bằng câu hỏi chẳng ăn nhập gì đến rắn biển khổng lồ và tự trả lời: “Chình là giống cá biển sống trong các hang đã, có ngoại hình rất giống rắn biển, mõm có răng nhọn hoắt như răng chó. Loài này không độc nhưng rất khỏe. Do là đặc sản nên không ít tay lặn biển khi gặp loài này rất muốn ăn chúng và không ít thợ lặn xém mất mạng bởi trong quá trình giao chiến, họ không địch lại sức mạnh của con chình. Có thợ lặn tuy móc mũi lao vào thân nhưng không những không lôi được con chình cỡ 7 ký lô lên bờ mà ngược lại, còn bị nó dìm, kéo vào hang đá, cánh thợ lặn đành buông mũi lao trồi lên mặt nước thoát thân. Con chình mạnh và dữ cỡ đó nhưng so với rắn biển thân to cỡ bắp về người lớn thì nó chỉ là em út. Không chỉ mạnh, rắn biển còn có nọc độc dữ thần. Hôm thấy đàn rắn biển khổng lồ lao về phía mình, tôi run cầm cập nghĩ chắc mình tiêu đời. Ai ngờ khi sắp chạm thúng thì chúng đột ngột rẽ sang hướng khác. Lúc đó tôi sợ quá ngồi bất động trên thúng, đến hơn 5 phút sau mới hoàn hồn”.
Để chứng minh rắn biển khổng lồ mới thực sự là chúa tể đại dương chứ không phải cá mập, các lão ngư cho biết tuy là loài khỏe mạnh, phàm ăn, khi đói nếu gặp con mồi là lao vào tấn công không khoan nhượng nhưng chưa bao giờ cá mập dám gây sự với những đàn rắn biển. Đói mấy mà gặp những hung thần mình dài có nọc độc là đám cá mập phớt lờ. Chúng tôi hỏi chuyện các lão ngư đã từng có ai ở vùng biển Tuy Phong giao chiến và hạ gục rắn biển khổng lồ thì các cụ đều lắc đầu: “Giao chiến với cá chình, cá mập thì có chứ với rắn biết chúa đàn thì chưa. Điều lạ là tuy từng xuất hiện rất nhiều ở biển Tuy Phong nhưng chưa khi nào xảy ra chuyện rắn biển tấn công người dù rằng dân đi biển chúng tôi gặp và đối mặt thường xuyên với chúng. Như chuyện con rắn trên bờ, những ai bị chúng cắn là bởi họ có hành vi đe dọa sinh mạng của chúng hay khiến chúng ngỡ là mình bị đe dọa”.
Từng một thời xuất hiện dày đặc tại biển Tuy Phong nhưng theo tâm tình của các ngư dân, từ năm 1995 trở lại đây, rắn biển và đặc biệt là rắn biển khổng lồ dường như không còn tồn tại nữa. Khoảng năm 1990, xuất hiện nhiều thương lái ở TP Hồ Chí Minh đến thu mua rắn biển đặng bán lại cho các cơ sở đông y ở Trung Quốc, ở Khu phố thuốc Đông y tại quận 5 làm thuốc, bán cho các vị đại gia có nhu cầu nuốt mật, uống rượu hòa máu đẻn để được khỏe mạnh, dẻo dai. Bắt rắn biển bán được nhiều tiền nên người ta bất chấp nguy hiểm săn lùng chúng. Lại thêm nạn đánh bắt bằng các phương pháp hủy diệt, đặc biệt là khai thác thủy hải sản bằng biện pháp giã cào, khiến cá lớn cá bé và các loài thủy sản khác nằm sát đáy đều rơi vào lưới nên rắn biển cũng chịu chung số phận. Thế nên chúng vơi dần và dạo gần đây ngư dân đi lưới chẳng bắt gặp con rắn biển nào cả: “Loại be bé con con cũng chẳng còn nói chi rắn biển khổng lồ. Nếu có thì chúng chỉ còn tồn tại trong ký ức của những lão ngư dân ở tuổi tri thiên mệnh như tôi mà thôi!” – cụ Sáu hướng ánh mắt về phía biển khẽ chép miệng bằng tiếng thở dài đầy nuối tiếc.
Theo Cảnh sát toàn cầu