Một nhóm chuyên gia bảo tồn gặp rắc rối với con tê giác hung dữ trong lúc đeo vòng cho các cá thể ở Nam Phi hồi tháng 9 năm ngoái.
Các nhà bảo tồn phải trèo lên cây để né tê giác.
Sau khi lắp thiết bị theo dõi vào đùi của con tê giác đen bị gây mê, các nhà nghiên cứu lùi lại chờ con vật to lớn tỉnh dậy. Tê giác chuếnh choáng thường cục cằn hơn lúc tỉnh táo, nhưng con này bất ngờ xoay mình và lao thẳng vào nhóm nghiên cứu, buộc họ phải trèo lên một cái cây gần đó để chạy trốn con vật nặng một tấn.
Cảnh tượng được ghi lại bởi Tom Frew, quản lý tiếp thị của công ty Ranger Buck Safaris, một thành viên trong nhóm. "Tất cả xảy ra nhanh đến mức sự việc trôi qua trước cả khi chúng tôi nhận thức được những gì xảy ra và bản thân may mắn thế nào", Frew chia sẻ.
Dù tê giác đen là loài nhỏ hơn trong hai loài tê giác ở châu Phi, chúng lại hung dữ hơn tê giác trắng. Khi tê giác đen tỉnh dậy sau quá trình đặt thiết bị theo dõi, chúng gần như chọn chiến đấu thay vì bỏ chạy và đuổi bất kỳ thứ gì mà chúng có thể, Fred giải thích.
Lúc con tê giác tức giận bắt đầu cuộc rượt đuổi, Frew không kịp lên kế hoạch rút lui và lập tức lo lắng khi nhìn xuống từ cành cây mà anh chọn để chạy trốn. "Thân cây không to hơn đùi tôi và hai cành thấp chìa ra chỉ đủ cao để chúng tôi tránh khỏi tầm với của con tê giác", Frew kể lại.
Tê giác có thị lực kém, thay vào đó chúng dựa vào khứu giác và thính giác nhạy bén nhằm đối phó với bất kỳ nguy cơ nào. Nhiều khả năng con tê giác đánh hơi được mùi của Frew và cộng sự, sau đó tấn công về phía họ. Nó mau chóng mất hứng và bỏ đi. Nhóm nghiên cứu nán lại ngọn cây thêm 3 phút để chắc chắn con tê giác đã đi xa hẳn trước khi trèo xuống. Nhiều khu bảo tồn ở châu Phi cưa sừng tê giác để ngăn thợ săn trộm. Dù mất hai chiếc sừng, con tê giác vẫn có thể gây thương tích nếu các chuyên gia không chạy trốn kịp thời.