Một trong những mẫu thiết kế được Trung Quốc kỳ vọng rất nhiều lại là sự thất vọng lặp đi lặp lại của nước này.
Theo trang mạng Strategy Page, Trung Quốc dường như đã giải quyết được một số vấn đề chính trong việc chế tạo động cơ phản lực hiệu suất cao. Động cơ WS-10C của nước này đang được sản xuất hàng loạt, các nhà máy được phân công chế tạo đang theo hoạt động theo nhiều ca kíp để giải quyết công việc tồn đọng.
Dòng động cơ WS-10 được thiết kế để thay thế động cơ phản lực mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nga và bù đắp cho việc nước này không thể có được phiên bản mới nhất của động cơ AL-31F, gọi là AL-41F1, hiện đang được Nga trang bị cho các tiêm kích tàng hình Su-57.
WS-10C là phiên bản WS-10 cải tiến với độ tin cậy cao hơn, cho phép J-20 hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nó chưa thể sánh bằng động cơ F119 đang lắp đặt trên các tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang cố gắng chế tạo động cơ sánh ngang với mẫu F119. Nhờ F119, F-22 có khả năng cơ động cao, cũng như khả năng siêu hành trình (có thể đạt tốc độ siêu thanh hiệu quả mà không cần sử dụng thiết bị đốt sau). Việc đưa WS-10 và phiên bản nâng cấp WS-10C mạnh hơn vào sản xuất sẽ cho phép Trung Quốc thay thế mẫu động cơ AF-31 của Nga đang được sử dụng trên hầu hết các máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc.
WS-10C khiến cho J-20 hoạt động hiệu quả hơn, nhưng không bằng F-22 với hai động cơ F119. Phiên bản F119 của Trung Quốc là WS-15, hiện vẫn đang cố gắng khắc phục các vấn đề về độ tin cậy. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng Trung Quốc đang có phần lấn lướt về hiệu suất và độ tin cậy của động cơ Nga, cũng như bắt đầu vượt qua Moscow ở một số hạng mục.
QUYẾT SÁCH SAI LẦM KHIẾN J-20 ĐÌNH TRỆ SẢN XUẤT
Quan trọng hơn bất cứ điều gì khác, động cơ là thứ xác định thời điểm một chiếc máy bay mới sẵn sàng. Vào giữa năm 2020, Trung Quốc tiết lộ rằng máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của họ đã chính thức đi vào sản xuất hàng loạt. Đây không phải là chiếc J-20 ban đầu được tuyên bố sẵn sàng vào năm 2017, mà là một chiếc J-20B với nhiều cải tiến.
Điều này diễn ra 2 năm sau khi Trung Quốc thừa nhận rằng việc sản xuất J-20 bị đình trệ, và nhà sản xuất đã xác nhận lý do tại sao lại như vậy. Các chi tiết liên quan đã được giải thích trong một phóng sự của truyền hình nhà nước – một phần nhằm giúp doanh nghiệp tuyển dụng các công nhân lành nghề cần thiết để sản xuất J-20.
Tình trạng thiếu hụt lao động ở Trung Quốc phần lớn là do tỷ lệ sinh thấp trong nhiều thập kỷ sau khi nước này áp dụng chính sách "một con". Phải tới tháng 10/2015, Đảng Cộng sản Trung Quốc mới thông báo bãi bỏ chính sách đã tồn tại trong suốt 35 năm qua ở nước này.
Ngành công nghiệp sản xuất máy bay của Trung Quốc [trong cả lĩnh vực quân sự và thương mại] đang bùng nổ, trong khi số lượng công nhân có thể chế tạo và lắp ráp các bộ phận lại thiếu hụt.
Mỗi công đoạn chế tạo J-20 lại đòi hỏi số lượng công nhân lành nghề khác nhau. Các bộ phận của thân máy bay được làm bằng hợp kim đặc biệt, chúng tốn nhiều thời gian để tạo khuôn và sau đó định hình thành những cấu trúc phức tạp.
VỤ NỔ LÀM LỘ THẤT BẠI BÍ MẬT
Nhiều thành phần máy bay đến từ các nhà cung cấp Trung Quốc – những đơn vị vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện khả năng sản xuất. Tuy nhiên, nhìn chung J-20 vẫn đòi hỏi rất nhiều thành phần ngoại lai, trong khi nguồn cung cấp lại rất eo hẹp.
Trung Quốc cũng tiết lộ rằng chương trình phát triển J-20 đã tiêu tốn 4.4 tỷ USD [tính đến năm 2018], chi phí chế tạo dành cho mỗi chiếc là 110 triệu USD. Ngoài những khó khăn về sản xuất, còn có các vấn đề về hiệu suất đối với các nguyên mẫu và 6 mẫu sản xuất mà Không quân Trung Quốc đã tiếp nhận trong năm 2018.
Vào thời điểm đó, người ta phát hiện có một số vấn đề tiềm ẩn trong quá trình sản xuất J-20. Các vấn đề chính được xác định có liên quan đến động cơ khả năng tàng hình, và các vật liệu tinh vi được thêm vào khung máy bay, khiến khả năng phát hiện mục tiêu của radar kém hiệu quả hơn.
Trong số này, vấn đề rõ ràng nhất chính là động cơ. Năm 2018, động cơ WS-10 được lắp đặt cho J-20 như một phương án thay thế tạm thời, nó không đủ hiệu quả để hỗ trợ khả năng siêu hành trình của máy bay.
Trong khi đó, Trung Quốc đã phát triển động cơ WS-15, với khả năng mạnh mẽ hơn [thậm chí sẵn sàng cho khả năng siêu hành trình] kể từ những năm 1990. Thế nhưng, mặc dù đã nỗ lực rất nhiều, WS-15 vẫn không thể hoạt động đủ tin cậy để phục vụ cho các máy bay. Giới chức Trung Quốc cũng xác nhận tin đồn rằng một động cơ WS-15 đã phát nổ trong cuộc thử nghiệm tĩnh trên mặt đất vào năm 2015.
Thất bại đó vốn dĩ là một bí mật, nhưng khi mẫu động cơ quan trọng này bị hỏng do phát nổ thì sự cố đó rất khó che giấu.
Ban đầu, một phiên bản mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn của WS-15 dành cho tiêm kích J-20 được cho là có thể thực hiện vào năm 2020 nhưng những thay đổi về hình dạng và khối lượng của WS-15 sẽ đòi hỏi phải có những sửa đổi đối với hình dạng của J-20, và điều này đòi hỏi nhiều thử nghiệm để đảm bảo rằng khả năng tàng hình không bị ảnh hưởng.
Nhà máy sẽ phải lắp đặt thiết bị sản xuất mới hoặc sửa đổi, và các nhà cung cấp cũng sẽ phải làm điều tương tự để sản xuất các thành phần khung máy bay mới. Trung Quốc tuyên bố hầu hết những vấn đề đó đã được giải quyết vào giữa năm 2020, bao gồm cả vấn đề về độ tin cậy của WS-15.
Tuy nhiên, tuyên bố này hóa ra là quá vội vàng. WS-15 là một trong những sự thất vọng lặp đi lặp lại của Trung Quốc và có thể còn hơn thế nữa. Tất nhiên, một số động cơ phản lực hiệu suất cao đáng tin cậy hơn các động cơ khác. Các nhà sản xuất động cơ phương Tây đã trải qua điều này trong nhiều thập kỷ khi mỗi thế hệ động cơ mới được phát triển. Trung Quốc biết điều ấy và đang cam chịu lặp lại quá trình đó.
Nhìn chung, theo Strategy Page, J-31 và J-20 là bằng chứng cho thấy Trung Quốc quyết tâm phát triển thiết bị quân sự công nghệ cao của riêng mình. Bắc Kinh đang cố gắng tránh những sai lầm mà Nga đã vấp phải trong lĩnh vực này. Điều đó đòi hỏi họ phải có thiết kế cạnh tranh và phát triển được các ngành công nghiệp hỗ trợ cần thiết. Tất cả những việc này sẽ mất rất nhiều thời gian và kéo theo nhiều thất bại.
VietBF @ Sưu tầm