Sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn củng cố lập luận của Biden rằng kết cục này không tránh khỏi, nhưng nhiều người cho rằng Mỹ lẽ ra nên duy trì hiện diện.
Đối với những những người chỉ trích quyết định "rút quân để chấm dứt cuộc chiến dài nhất" do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra, việc 2.500 lính Mỹ ở Afghanistan trong những tháng cuối cùng đã chứng minh rằng Mỹ có thể tạo ra sự ổn định, giúp bảo vệ quyền phụ nữ và thực hiện các hoạt động chống khủng bố, với chi phí không đáng kể theo tiêu chuẩn của Lầu Năm Góc.
Tuy nhiên, Biden và các đồng minh bác bỏ lập luận này, nói rằng số lính Mỹ đang được triển khai ở Afghanistan chỉ an toàn vì Taliban không nổ súng, tuân theo thỏa thuận rút quân.
Chiến binh Taliban đứng gác tại cổng ra vào Bộ Nội vụ ở Kabul ngày 17/8. Ảnh: AFP
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Biden, nói rằng mặc dù sự sụp đổ của Kabul không phải là "không thể tránh khỏi", chính phủ Afghanistan đã không tận dụng được năng lực do Mỹ xây dựng.
"Những gì chúng tôi thấy trong suốt hai tuần qua là nếu chúng tôi ở lại thêm một năm, hai năm, 5 năm hoặc 10 năm nữa, thì dù Mỹ có huấn luyện, trang bị, cung cấp tiền bạc hay lính Mỹ có mất đi mạng sống thế nào chăng nữa, chúng tôi cũng không thể biến quân đội Afghanistan thành lực lượng có năng lực tự bảo vệ đất nước", Sullivan nói.
Lucas Kunce, cựu binh từng tham chiến ở Afghanistan và đang tranh cử vào Thượng viện Mỹ, cũng đồng tình với quan điểm rằng Washington không thể làm gì hơn ở Afghanistan. "Tôi đã ở đó. Chuyện xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Bất cứ ai nói với bạn điều khác đều là dối trá, hoặc chúng ta sẽ phải chôn chân ở đó mãi mãi".
Cựu tổng thống Donald Trump, người đã công kích Biden dữ dội về sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan, dường như từng thừa nhận "kết quả không thể tránh khỏi" sau khi chính quyền của ông ký thỏa thuận hòa bình với Taliban tại Doha vào tháng 2/2020.
"Không thể giúp họ mãi được", Trump nói. Khi được hỏi liệu lực lượng chính phủ Afghanistan có đủ khả năng tự vệ hay không, Trump trả lời: "Tôi hy vọng là có, nhưng tôi không biết".
Sau khi Mỹ tiêu tốn hơn hai nghìn tỷ USD và sinh mạng của hơn 2.500 binh sĩ tại Afghanistan, các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Mỹ muốn kết thúc cuộc chiến dài nhất lịch sử, được phát động sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Tuy nhiên, Richard Fontaine, giám đốc điều hành Trung tâm An ninh mới của Mỹ, lại có quan điểm trái ngược. Ông cho rằng nếu Mỹ duy trì hiện diện quân sự hạn chế tại Afghanistan, họ có thể phần nào thay đổi được cục diện và vẫn bảo vệ được những người Afghanistan lo sợ Taliban trở lại.
"Sự hiện diện khiêm tốn, lâu dài của quân đội quốc tế, trong đó Mỹ không chiếm đa số, không đủ khả năng đánh bại Taliban nhưng có thể ngăn chính phủ Afghanistan rơi vào tay Taliban", Fontaine, cựu cố vấn của cố thượng nghị sĩ John McCain, nói.
Tướng lục quân Mỹ H.R. McMaster, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, tuần trước chế giễu bình luận rằng tất cả các cường quốc đều thất bại ở Afghanistan. "Bạn đang nói điều này là không thể tránh khỏi vì Afghanistan là 'nơi chôn vùi các đế chế' ư? Lập luận như vậy thì thậm chí còn không định hình vấn đề một cách chính xác. Chúng tôi đang chiến đấu với người Afghanistan vì người Afghanistan, chống lại Taliban", ông nói.
Ông dẫn chứng sự hiện diện quân sự kéo dài 7 thập kỷ của Mỹ ở Hàn Quốc, nhấn mạnh rằng đồng minh của Mỹ phải mất nhiều năm mới có thể phát triển thành nền dân chủ thịnh vượng như bây giờ.
"Tôi nghĩ rằng chính chúng ta đã tự thuyết phục mình thất bại ở Afghanistan", McMaster nói. "Chúng ta đang chứng kiến người dân Afghanistan phải trả giá vì chúng ta tự dối mình".
Adela Raz, đại sứ Afghanistan tại Washington, cho biết việc nghi ngờ về ý chí chiến đấu của quân đội Afghanistan là "vô cùng bất công". Thay vào đó, bà chỉ ra các yếu tố khiến quân đội chính phủ Afghanistan nhanh chóng thất thủ là do họ mất sự yểm trợ hỏa lực trên không của Mỹ và tác động tâm lý từ thỏa thuận rút quân Mỹ ký với Taliban.
"Dù chúng tôi luôn nói rằng Mỹ không bỏ rơi Afghanistan, ở Afghanistan, mọi người đều nghĩ là họ bị bỏ rơi", bà nói.
Thỏa thuận Doha đã dẫn đến cuộc đàm phán đầu tiên giữa Taliban và chính phủ Afghanistan, bao gồm việc nhóm này cam kết không chứa chấp al-Qaeda hoặc tấn công các thành phố lớn. Mỹ cho biết điều kiện tiên quyết để thực hiện thỏa thuận là Taliban phải tuân thủ cam kết, nhưng cả Trump và Biden đều nói rõ rằng họ sẽ rút quân khỏi Afghanistan.
Trita Parsi, phó chủ tịch điều hành của Viện Quản trị Nhà nước Quincy, nói rằng chính sách rút quân có điều kiện sẽ không hiệu quả, vì chính phủ Afghanistan luôn tìm cách níu kéo sự hiện diện của Mỹ. "Mỹ có thể ở lại thêm một năm, 5 năm nữa, nhưng tình hình cũng sẽ không thay đổi", ông nói.
VietBF@sưu tập