Biến thể Delta lây lan mạnh trên nhiều nước trên thế giới. Câu hỏi hiện nay được đề cập, vaccine nào ngăn ngừa hiệu quả?
Biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn so với biến thể Alpha và nó tấn công cả những người mới tiêm một liều vaccine.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) EU dự báo biến thể Delta lây lan mạnh, chiếm đến 90% ca nhiễm nCoV tại châu Âu trong tháng 8.
Hiện biến thể lưu hành chủ yếu trong khu vực là Alpha, lần đầu xuất hiện ở Anh. Song sắp tới, biến thể Delta sẽ chiếm ưu thế.
"Nó sẽ lây nhiễm rộng hơn trong mùa hè, đặc biệt ở những người trẻ chưa nằm trong danh sách tiêm chủng", Andrea Ammon, Giám đốc CDC châu Âu nhận định ngày 23/6.
Bien the Delta lay lan manh, vaccine nao ngan ngua hieu qua?
Tiêm phòng nhanh chóng và đầy đủ giúp đối phó với biến thể Delta. Ảnh: TASS
Tuyên bố của CDC châu Âu được đưa ra sau khi Nga cảnh báo về đợt bùng phát nghiêm trọng do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Biến thể Delta cũng đang thống trị Anh. Song nước này đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho 82% dân và hai liều cho 60% dân, có thể sẽ an toàn trước biến chủng.
"Điều quan trọng là phải tiêm phòng nhanh chóng hơn", bà Ammon nhận định.
Đến nay, khoảng 30% người trên 80 tuổi và 40% người trên 60 tuổi ở EU vẫn chưa tiêm đủ hai liều vaccine. Bà Ammon cho rằng cần khẩn trương tiêm liều thứ hai cho nhóm dễ tổn thương nhất.
CDC EU ước tính biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn từ 40-60% so với biến thể Alpha. Nó tấn công cả những người mới tiêm một liều vaccine.
Vào tuần trước, tờ Financial Times dẫn thống kê của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm (GISAID) cho biết, biến thể Delta hiện đã chiếm tới 96% số ca lây nhiễm mới COVID-19 theo chuỗi tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Italia và khoảng 16% tại Bỉ. Tại Anh, biến thể này chiếm gần như toàn bộ số ca nhiễm mới được ghi nhận.
Trong cuộc họp báo ngày 25/6, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng mặt, đồng thời hối thúc các chính phủ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
"Có nhiều lo ngại về biến thể Delta trên toàn cầu, WHO cũng lo ngại về nó… Delta là biến chủng dễ lây lan nhất từng được xác định cho đến lúc này", ông Ghebreyesus nói.
Theo người đứng đầu WHO, ít nhất 85 quốc gia đã ghi nhận người nhiễm Delta và biến thể này đang lan rộng trong nhóm người chưa được tiêm chủng ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. "Khi một số quốc gia nới lỏng các biện pháp y tế, chúng tôi thấy sự gia tăng ca nhiễm", ông Tedros cảnh báo.
Ông Tedros kêu gọi các nước đẩy nhanh nỗ lực chủng ngừa vaccine COVID-19 để chặn đà lây lan của dịch bệnh. Tổng Giám đốc WHO cảnh báo sẽ virus sẽ biến chủng khi dịch bệnh lây lan, bởi vậy, chỉ có chặn đà lây lan của dịch bệnh mới có thể hạn chế xuất hiện thêm các biến chủng mới nguy hiểm.
"Càng lây lan nhiều, càng nhiều biến thể. Lây lan ít, sẽ ít biến thể hơn. Chúng ta có thể ngăn các biến thể mới bằng cách chặn đà lây lan", ông Tedros lý giải, đồng thời một lần nữa chỉ trích việc các nước thu nhập cao độc chiếm nguồn vaccine, khiến các nước nghèo khó hơn khó tiếp cận.
"Chúng ta đang lặp lại sai lầm tương tự HIV/AIDS, khi phải mất 10 năm (thuốc men) mới đến được các nước thu nhập thấp, sau khi nó tràn lan ở các nước thu nhập cao, và vaccine H1N1 thì chỉ được cung cấp khi dịch đã kết thúc", ông Tedros cảnh báo.
Vaccine nào ngăn ngừa hiệu quả biến thể Delta?
Các nhà khoa học tin rằng, với tốc độ lây lan chóng mặt, biến thể Delta sẽ thống trị tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện. Tuy nhiên, dấu hiệu khả quan là biến thể này vẫn có thể được kiểm soát nhờ tiêm chủng đầy đủ, đồng thời với các biện pháp làm chậm quá trình lây lan.
Theo cơ quan Y tế Công cộng Anh, việc chỉ tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 tỏ ra kém hiệu quả với biến chủng Delta hơn các biến chủng cũ, nhưng việc tiêm đầy đủ hai mũi tăng khả năng bảo vệ lên đáng kể, ở mức trên 80%.
Hãng tin TASS ngày 24/6 dẫn lời Giám đốc Trung tâm Virus và công nghệ sinh học Vector (Nga) Rinat Maksyutov tuyên bố vaccine EpiVacCorona do trung tâm này bào chế có hiệu quả với tất cả các loại biến thể của virus SARS-CoV-2, gồm cả Delta và Delta Plus.
“Tất cả biến thể của virus gây dịch COVID-19 hiện nay không thể xuyên thủng cấu trúc các hợp chất của EpiVacCorona”, ông Maksyutov giải thích, dù không nêu rõ hiệu suất bảo vệ là bao nhiêu.
Trong khi đó, kết quả một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford thực hiện và công bố trên tạp trí Cell ngày 23/4 cho thấy, vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca và liên doanh Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) vẫn có hiệu quả chống lại biến thể Delta và Kappa.
Để có được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra năng lực của các kháng thể trong mẫu máu của người đã tiêm đủ hai mũi vaccine trong việc vô hiệu hóa các biến thể Delta và Kappa.
VietBF@ sưu tập
VIETBF Diễn Đàn Hay Nhất Của Người Việt Nam
|