Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm (CENTCOM), Đại tướng Frank McKenzie cho rằng xu hướng các nhóm dân quân bán vũ trang thân Iran sử dụng UAV cỡ nhỏ thực hiện các cuộc tấn cong "cảm tử" sẽ trở nên phổ biến hơn trong vài năm tới. Việc căn cứ Mỹ bị tấn công bởi một UAV "cảm tử" chất đầy thuốc nổ một lần nữa đã cho thấy kho vũ khí của Iran không chỉ có mỗi rocket và tên lửa.
Theo tờ The Times of Israel, một tháng sau khi căn cứ Irbil, Iraq bị một máy bay không người lái (UAV) không rõ danh tính chất đầy thuốc nổ tấn công, các chỉ huy cấp cao của liên quân Mỹ ở Trung Đông đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ mới từ UAV "cảm tử" trong khu vực, đồng thời kêu gọi Lầu Năm Góc cần lên kế hoạch đối phó với mối đe dọa này.
Cụ thể, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm (CENTCOM), Đại tướng Frank McKenzie cho rằng xu hướng các nhóm dân quân bán vũ trang thân Iran sử dụng UAV cỡ nhỏ thực hiện các cuộc tấn cong "cảm tử" sẽ trở nên phổ biến hơn trong vài năm tới.
Thông tin này được tướng McKenzie đưa ra trong chuyến thị sát đến các tiền đồn của liên quân ở Iraq vào cuối tuần vừa qua.
Cũng theo Tư lệnh CENTCOM, hiện tại, các phương tiện bay không người lái có mức giá khá rẻ, ai cũng có thể mua được chúng và khó có thể ngăn chặn mối đe dọa này bằng các biện pháp thông thường. Vị tướng Mỹ còn nhấn mạnh rằng Lầu Năm Góc nên đưa ra các giải pháp khác để chống lại việc kẻ thù sử dụng loại vũ khí này chống lại nước Mỹ ở Trung Đông cũng như ở các khu vực khác.
"Chúng tôi đang làm việc cật lực để tìm ra các giải pháp hiệu quả hơn cho phép quân đội chống lại các mối đe dọa từ máy bay không người lái", tướng McKenzie cho biết.

Đại tướng Frank McKenzie, Tư lệnh Bộ chi huy Trung tâm (CENTCOM). Ảnh: AP.
Tướng McKenzie tiết lộ, mục tiêu chính của nghiên cứu trên chính là việc cắt đứt liên kết giữa phương tiện bay và người điều khiển nó, cải thiện khả năng cảnh báo sớm của hệ thống radar kết hợp với đó là các hệ thống áp chế điện tử để hạ gục các mối đe dọa.
Tuy nhiên, Tư lệnh CENTCOM cũng nhận xét rằng các mục tiêu mà Quân đội Mỹ đang hướng tới trong việc ngăn chặn mối đe dọa từ UAV khó có thể đạt được trong ngắn hạn.
Trước đó vào giữa tháng 4, một UAV "cảm tử" mang theo đầy thuốc nổ đã tấn công vào một căn cứ không quân của liên quân ở Irbil, miền Bắc Iraq vốn do lực lượng người Kurd kiểm soát. Vụ tấn công đã phá hủy một tòa nhà và gây ra một đám cháy lớn, may mắn cho liên quân là không có thương vong về người.
Tiếp đến chỉ sau đó nửa tháng, ngày 8/5, một căn cứ không quân khác của Mỹ ở Ain Al-Asad, Iraq cũng bị UAV "cảm tử" không rõ danh tính tấn công, tuy nhiên nó không gây ra thiệt hại.
Cho đến nay vẫn chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công. Dù không có bằng chứng nhưng phía Mỹ vẫn cáo buộc các nhóm dân quân thân Iran đứng sau vụ việc này. Điều này cũng khá dễ hiểu khi các nhóm dân quân Iraq (PMU) là "tác giả" của các cuộc tấn công rocket vào các cơ sở quân sự của Mỹ ở Iraq trong suốt 2 năm trở lại gần đây.
Các cuộc tấn công tổng thể nhằm vào liên quân do Mỹ đứng đầu ở Iraq diễn ra thường xuyên kể từ khi Washington ám sát Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, Thiếu tướng Qassem Soleimani ngay tại Baghdad, Abu Mahdi al-Muhandis - chỉ huy lực lượng PMU cũng thiệt mạng trong vụ việc trên.

UAV tấn công của Iran trong một cuộc tập trận vào đầu năm 2021. Ảnh: AP.
Vụ ám sát đã làm dấy lên sự phẫn nộ của hầu hết các nhóm dân quân PMU ở Iraq và họ đều xem liên quân Mỹ là kẻ thù chung.
Ở một diễn khác, theo Times of Israel, ngay sau tuyên bố của tướng McKenzie về mối đe dọa từ UAV ở Trung Đông. Một nhà máy chế tạo UAV của Iran ở tỉnh Isfahan đã bất ngờ phát nổ không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, theo truyền thông nhà nước Iran, vụ nổ trên xảy ra vào khoảng 4h sáng ngày 23/05 (theo giờ địa phương) ở một nhà máy sản xuất vật liệu nổ tại tỉnh Isfahan miền Trung Iran, làm ít nhất 9 người bị thương. Thế nhưng tờ The Guardian lại cho biết đây là một cơ sở chế tạo UAV của Iran.
Hiện phía Iran chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin của The Guardian.