Trong khi hai nghi phạm liên quan đến vụ sát hại "anh trai" Kim Jong-un là Kim Jong-nam thì nghi phạm người Indonesia được phóng thích còn người Việt thì không. Nghị sĩ Malaysia, ông Ramkarpal Singh cho rằng việc Bộ trưởng Tư pháp Malaysia thả nghi phạm Indonesia nhưng tiếp tục xét xử Đoàn Thị Hương là "không thể tin được".
Cảnh sát áp giải Đoàn Thị Hương bên ngoài tòa án ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm qua. Ảnh: AFP
Bernama dẫn thông cáo của nghị sĩ Ramkarpal Singh cho hay việc tòa án tiếp tục xét xử Đoàn Thị Hương nhưng lại phóng thích nghi phạm Siti Aisyah, "nhất là khi cả hai cùng chịu cáo buộc như nhau, là chưa từng có tiền lệ và rất đáng tiếc".
Theo nghị sĩ ở bang Penang, nếu cáo buộc với Siti được rút lại vì Bộ trưởng Tư pháp Malaysia Tommy Thomas cho rằng Triều Tiên đứng sau nghi án Kim Jong-nam, thì Hương cũng nên được trả tự do.
Kể từ khi bị bắt năm 2017, Hương và Siti luôn phủ nhận cáo buộc sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol, người mà Mỹ và Hàn Quốc tin rằng chính là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong-un. Hai nghi phạm khẳng định họ bị lừa tham gia một trò chơi khăm trên truyền hình và không ý thức được hành động của mình là giết người.
Giới chức Indonesia đã viết thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Thomas, đề nghị ông cân nhắc mối quan hệ song phương và phóng thích Siti vì cô chỉ là "công cụ tình báo của Triều Tiên". Hôm 11/3, Malaysia bất ngờ đáp ứng đề nghị này và trả tự do cho nghi phạm Indonesia.
Đoàn Thị Hương khóc khi rời tòa, luật sư bức xúc vì cô không được thả. Video: AFP
"Không nghi ngờ gì, Bộ trưởng Tư pháp có quyền dừng quá trình tố tụng với Siti như ông ấy đã làm, nhưng tại sao ông ấy không làm tương tự với trường hợp của Đoàn Thị Hương?", nghị sĩ Ramkarpal nói.
Ông cho rằng cách hành xử bất nhất của ông Thomas là "không thể tin được và làm dấy lên những câu hỏi về quyền hạn của Bộ trưởng Tư pháp", nhất là khi thẩm phán từng tuyên bố đã xác lập đủ bằng chứng để buộc tội hai nghi phạm và cho phép họ bước vào phiên biện hộ.
Vì Bộ trưởng Tư pháp Malaysia không nêu ra lý do khiến ông phóng thích Siti, Hương sẽ không bao giờ biết tại sao cô bị đối xử khác với cô gái Indonesia. "Nếu bị kết tội, Hương sẽ luôn thắc mắc Siti có tội như mình không. Trong những trường hợp như này, quan điểm của Bộ trường Tư pháp nên được công khai, nhất là khi vấn đề này liên quan đến mạng sống", ông Ramkarpal nói thêm.
Hôm 13/3, trả lời về việc Siti được phóng thích, Chánh văn phòng Thủ tướng Malaysia Liew Vui Keong cho biết Bộ trưởng Tư pháp có quyền tiếp tục hoặc bãi bỏ cáo buộc với nghi phạm.
Theo ông Liew, điều này được quy định trong Hiến pháp Liên bang, và thêm rằng Bộ trưởng Tư pháp có thể rút cáo buộc với bất kỳ cá nhân nào, kể cả khi quá trình tố tụng vẫn đang diễn ra.
"Bộ trưởng Tư pháp có quyền quyết định. Chính phủ sẽ không can thiệp vào các quyết định này", ông Liew nói.
Luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương chỉ trích quyết định của Malaysia là ngoan cố và phân biệt đối xử. Phiên tòa xét xử Hương dự kiến tiếp diễn vào ngày 1/4. Nếu bị kết tội, cô sẽ đối mặt với án tử hình bằng hình thức treo cổ.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng hôm qua đã gặp Đại sứ Malaysia tại Hà Nội, đề nghị Malaysia đảm bảo xét xử Đoàn Thị Hương công bằng, khách quan và trả tự do cho cô.
VietBF © sưu tầm