Ngân hàng TQ giúp Triều Tiên rửa tiền bị Mỹ tố giác. Chính phủ Trump ngay sau đó tuyên bố trừng phạt ngân hàng ngày. Ngày 30.6, Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố ủng hộ biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với một ngân hàng Trung Quốc và một số thực thể khác có liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, nước này ủng hộ mạnh mẽ quyết định trừng phạt của Mỹ, đồng thời sẽ hợp tác cùng với Mỹ và các quốc gia khác nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Giới chức Nhật Bản cũng cho biết sẽ xem xét áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt khác đối với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc trong một tuyên bố cho hay, biện pháp trừng phạt của Mỹ "sẽ giúp chấm dứt các hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên", cũng như góp phần vào việc phi hạt nhân hóa.
Ngày 29.6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Ngân hàng Dandong của Trung Quốc đã bị cắt khỏi hệ thống tài chính Mỹ vì đã chuyển tiền bất hợp pháp cho Triều Tiên. Ngoài các trừng phạt đối với ngân hàng Dandong, Bộ Tài chính Mỹ cũng cho vào danh sách đen một công ty và hai cá nhân Trung Quốc liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, ngày 29.6, Tổng thống Donald Trump cũng đã tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In. Theo thông lệ, cuộc gặp sẽ diễn ra trôi chảy. Nhưng tổng thống Mỹ, luôn bị ám ảnh về Triều Tiên và chưa xác định rõ làm cách nào giải quyết hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong khi đó, nguyên thủ Hàn Quốc lại công khai chủ trương hòa đàm với Triều Tiên.
Tân tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae In cho rằng để làm hạ nhiệt căng thẳng leo thang đang đe dọa thế cân bằng địa chính trị vốn dĩ mong manh tại vùng Bắc Á, cần gấp rút nối lại đàm phán với chế độ Bình Nhưỡng. Theo tờ Korea Herald, chủ trương này đã được cố vấn đặc biệt của tổng thống, ông Moon Chung In, hôm 24.6 nêu rõ qua hai chi tiết trong chuyến đi đến Washington.
Thứ nhất, Hàn Quốc có thể đề nghị Mỹ xem xét lại quy mô các cuộc tập trận chung thường niên và việc triển khai thiết bị quân sự chiến lược của Mỹ để đổi lấy việc Triều Tiên chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Đề nghị này đã làm dấy lên nhiều chỉ trích cho rằng có thể làm suy yếu các nỗ lực của các đồng minh hình thành một mặt trận chung chống Triều Tiên. Thứ hai, về phương thức đàm phán, ông Moon Chung In nhấn mạnh rằng “cách thức đàm phán liên Triều không nhất thiết phải giống như giữa Mỹ với Triều Tiên”.
Tổng thống Hàn Quốc muốn làm sống lại chính sách Vầng Thái Dương của cố tổng thống Roh Moo Hyun, chủ trương xích lại gần với Triều Tiên, khi đề xuất một đoàn thể thao chung cho hai miền Bắc-Nam cho thế vận hội mùa đông, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2.2018 tại Pyeongchang. Tuy nhiên, đối với Washington, chính sách Vầng Thái Dương đã “lỗi thời và ngây thơ”.