Nhiều người gốc Việt đang trên đường chạy bão lẫn trú bão Milton, cơn bão khốc liệt lịch sử đang trên đường đến thành phố Sarasota và dự báo sẽ tàn phá thành phố này và Tampa, thuộc tiểu bang Florida.
Giới chức các thành phố đã kêu gọi cư dân di tản cấp thời vì “ở lại là chết.”
Chạy qua Atlanta
Như bao người thuộc vùng “red zone,” cô Mai Loan Laney, sống ở thành phố Riverview, phía Đông Tampa, cùng gia đình bạn trai phải di tản đến khách sạn ở Atlanta, Georgia, vào Thứ Hai, 7 Tháng Mười, và phải mất gần 15 tiếng mới tới nơi vì bị kẹt xe hàng dài trên xa lộ.
“Bình thường đi từ Tampa đến Georgia chỉ 7 tiếng nhưng ai cũng đi lánh bão vì đa số khách sạn hay nhà nghỉ ở khu vực lân cận, và ở Alabama đều kín phòng nên gia đình chúng tôi bị kẹt dính trên đường. Những người ở khách sạn tôi trú đều là gia đình đi trốn bão,” cô Loan kể với phóng viên nhật báo Người Việt vào chiều Thứ Tư, 9 Tháng Mười.
Cô kể đa số các trạm xăng trên đoạn đường di tản đều đóng vì hết xăng, còn trạm xăng mở cửa thì xe xếp hàng “rồng rắn.”
Cô Loan cho biết cha mẹ của bạn trai cô tuổi đã cao, bà cụ 82 tuổi và ông cụ 89 tuổi.
Ngập ngừng một chút, cô cho biết: “Tôi lo cho bạn bè và hàng xóm còn ở lại khu Tampa. Tôi vừa nhận được tin của đồng nghiệp ở St. Cloud nói bão vô tới rồi và gia đình người này đang trốn trong tủ ‘closet.’”
Cô Loan ở Florida từ năm 1990 và chưa thấy trận bão nào đánh vô gần vùng cô sống như thế này. Cô cho biết mỗi khi thông báo sắp có bão thì gia đình cô thường trữ trước thực phẩm, và rất nhiều nước.
“Chúng tôi phải đổ đầy nước vào bồn tắm, rồi trữ nước trong chai để rửa tay hay dội bồn cầu. Còn cửa sổ thì phải có khóa cài chuyên dụng để tránh lốc xoáy,” cô kể.
Cô Loan cho biết nếu ngày hôm sau bão qua đi, khu nhà cô không bị cắt điện và nước thì cô và gia đình sẽ đi về lại.
Được biết, nhiều nhà hảo tâm đăng bài trên mạng xã hội Facebook rằng có nhà hoặc phòng trống ở khu Atlanta, Georgia, để đồng hương đến di tản, cho thấy tấm lòng vàng của người gốc Việt thời dông bão.
Bà Tùng Nguyễn, ở Port Charlotte, phía Nam Tampa, cho biết bà chạy lên phía Bắc là thành phố Orlando để tránh bão ở nhà hai cháu ngoại.
“Tôi tưởng chạy lên đây sẽ ổn hơn nhưng không ngờ ở đây mưa suốt từ tối qua đến nay,” bà cho biết. “Tôi phải mất 8 tiếng mới tới Orlando trong khi đi ‘freeway’ bình thường chỉ 2 tiếng.”
Sống chung với bão
Có người quyết định ở lại, không di tản vì tiên liệu trận bão kỳ này sẽ không ảnh hưởng nặng nề.
Ông Jimmy Bùi, chủ nhân vườn trái cây La Vang tại thành phố Saint James City, nằm ở hòn đảo Pine Island, phía Nam Tampa và cách vùng “mắt bão” khoảng 2 tiếng rưỡi lái xe.
Ông Jimmy, sống ở Florida đã 11 năm, nói chuyện qua điện thoại với phóng viên nhật báo Người Việt lúc 6 giờ chiều (giờ địa phương).
“Ở đây mưa và gió mạnh, ngừng một chút rồi lại gió mạnh trở lại. Lượng nước mưa dâng lên nhiều lắm. Giờ thì bão chưa vô, khuya nay mới vô. Tôi biết là người Việt Nam ở vùng này di tản hết rồi chỉ còn tôi ở đây. Người Mỹ cũng đi di tản luôn. Chắc tôi quen rồi nên không muốn đi đâu hết,” ông tâm sự.
“Cách đây 2-3 năm thì trận bão mạnh hơn, tới 150 đến 160 dặm/giờ thì mới nghiêm trọng nên tôi di tản. Giờ bão Milton từ Cấp 5 xuống còn Cấp 3 thôi,” ông Jimmy từ tốn nói.
Ông thêm: “Ở thời điểm này, tôi thấy trong nhà an toàn rồi nếu đi di tản phải lái xe đi rồi bị kẹt xe, hết xăng và nhiều chuyện khác… mệt lắm.”
Trong lúc đó, ngay tại Tampa, nơi được dự báo sẽ “lãnh đủ” cơn bão Milton tàn bạo, ông Tim Ngô lại bình tĩnh theo dõi tin tức trên TV.
“Thực ra mà nói, tôi ở New Tampa (Manatee County), là khu vực cao và xa trung tâm bão (khi bão ập xuống) rất xa, xa đến nỗi vùng này không nằm trong ‘red zone’ nên không có lệnh di tản. Ba ngày trước, người ta dự báo Milton sẽ đánh thẳng vào Tampa nhưng bây giờ bão chuyển lệch hướng đi rồi,” ông Tim Ngô thủng thỉnh kể.
Ông Tim tiếp: “Chuẩn bị cho bão? Vùng tôi ở không cần làm gì để chuẩn bị hết. Ở Florida, nhà nào cũng có ít nhất là hai tủ lạnh mà nhà tôi có bốn cái nên không lo về thức ăn. Còn nước uống thì tôi có ba ‘case’ nước mua ở Costco, mỗi ‘case’ có 36 chai, mỗi chai 16 oz. Như vậy là đủ cho năm người sống trên một tháng.”
Theo ông Tim, người ở Florida 17 năm bão tố mà không hề hấn gì, cả 100 năm nay Tampa chưa bao giờ là trung tâm bão dù có bị ảnh hưởng chút ít.
“Tampa là nơi trú ẩn của hải tặc ngày xưa. Có bão bùng ngoài biển là họ vô đây tránh,” ông tự tin nói. “Tôi tin là vì Tampa không bao giờ bị bão nên hải tặc mới đến đây lánh bão.”
Bắt đầu từ 1904, Tampa tổ chức Gasparilla Pirate Festival, lấy cảm hứng từ truyền thuyết về tên cướp biển José Gaspar, người được cho là hoạt động ngoài khơi bờ biển phía Tây Florida thuộc Tây Ban Nha từ những năm 1780 đến những năm 1820.
Theo ông Tim, cơn bão Irma năm 2017 cũng rất đáng sợ nhưng đến giờ chót cũng “né” Tampa.
Lần đó, ông cũng chỉ làm ít việc cho có sự chuẩn bị với người ta.
Ông kể: “Thì ở đây ai cũng dự trữ bếp gas, kiểu ‘nấu lẩu,’ đèn cầy là xong phần điện. Phần nước thì tôi trữ nước trong bồn tắm để phòng cúp nước. Vậy là đủ rồi.”
Ông Tim giải thích lý do ông có tới bốn tủ lạnh: “Một cái đựng rau và thức ăn hằng ngày. Một cái đựng cá tôi câu về, một cái đựng thịt và một cái đựng nước để không hôi mùi thịt, cá.”
Những khu thuộc vùng “red zone” đã di tản từ mấy ngày trước và ngày 9 Tháng Mười bị hãng điện và sở cứu hỏa cúp điện để tránh hỏa hoạn khi bão đến, ông Tim cho hay. Cũng trong ngày này, các cây cầu và xa lộ cũng bị đóng nên ngoài đường vắng hoe.
Xa Tampa nhưng vẫn lo chằng chống nhà cửa
Những người gốc Việt ở những thành phố lân cận cũng bị ảnh hưởng của bão Milton. Cũng như ở chỗ ông Tim, các tiệm ăn, chợ búa, hàng quán, cây xăng ở các nơi gần Tampa đều đóng cửa và ai ở nhà nấy.
“Tôi ở Bradenton, cách Sarasota chừng 10 dặm và lại không nằm trong khu vực di tản nên hoàn toàn không có gì để sợ cả. Tuy nhiên, tôi có lo là nếu gió mạnh quá thì cây xoài cao 15 ft sau vườn bị đổ. Nếu đổ hướng nhà tôi thì một phần mái nhà sẽ bị ảnh hưởng,” ông Khương Diệp, cư dân Florida, có nhà nằm trên đường tiến về Sarasota, nói với phóng viên nhật báo Người Việt về ảnh hưởng của bão Milton.
Ông tiếp: “Chiều Thứ Hai, 7 Tháng Mười, khi tan sở, hãng thông báo là sẽ đóng cửa từ Thứ Ba đến Thứ Hai, 8 đến 14 Tháng Mười.”
Dù ở xa Tampa nhưng ông vẫn chằng chống nhà cửa vì sợ ảnh hưởng của bão.
Tuy nhiên, ông Khương có vẻ bình tĩnh vì từng gặp bão ở Florida gần 20 năm rồi.
Ông quan sát, từ hôm Thứ Ba, các siêu thị, tạp hóa và cây xăng trong thành phố Bradenton đều đóng cửa. Nghĩa là nhà ai có gì thì ăn uống nấy thôi. Hiện chưa có thông báo bao giờ mới mở cửa lại.
“Những người tôi biết đều di tản qua Atlanta của tiểu bang Georgia hoặc được đưa vào các trung tâm ‘shelter’ rải rác quanh vùng,” ông Khương tiếp. “Những người vùng tôi đều tỏ ra sợ hãi.”