Bọc trong rong biển, nhồi ngập nhân tươi ngon, cơm nắm onigiri đang rũ bỏ hình ảnh rẻ tiền, bình dân ở Nhật Bản, trở thành món ăn chất lượng và thu hút cả khách ngoại quốc.
Tại một góc phố yên tĩnh ở Tokyo, gần 50 người xếp hàng chờ quán Onigiri Bongo mở cửa. "Trước đây không ai đến vào giờ chiều. Nay khách hàng kéo đến rất đông, xếp hàng liên tục", Yumiko Ukon, 71 tuổi, điều hành quán ăn hơn nửa thế kỷ, nói.
Onigiri Bongo bán khoảng 60 loại cơm nắm onigiri, từ nhân truyền thống như mơ muối cho đến nhân "tân thời" hơn như thịt xông khói với nước tương.
Quán ăn chỉ có 9 ghế, nhưng bán tới 1.200 nắm cơm mỗi ngày. Bà Ukon nói một số khách phải chờ đến 8 tiếng. "Hồi tôi còn trẻ, onigiri là món mọi người tự làm ở nhà. Giờ mọi người thường mua món này ở ngoài".
Người Nhật đã ăn cơm nắm onigiri trong hơn một thiên niên kỷ. Onigiri gọn nhẹ, được ưa chuộng như một món ăn mang theo mình. Các samurai từng mang onigiri ra chiến trường. Hiện nay, onigiri có thể được tìm thấy ở các siêu thị tiện lợi trên khắp đường phố Nhật Bản.
Năm 2019, cẩm nang ẩm thực Michelin Guide thêm nhà hàng cơm nắm Onigiri Asakusa Yadoroku lâu đời nhất Tokyo vào danh sách. Sự kiện này đã nâng tầm vị thế onigiri đáng kể.
"Kể từ đó, thực khách bắt đầu coi cơm nắm là một món chất lượng, thay vì chỉ coi đây là món bình dân để ăn hàng ngày", Chủ tịch Hiệp hội Onigiri Nhật Bản Yusuke Nakamura nói.
Năm 2022, onigiri là thực phẩm ăn liền bán chạy thứ hai tại Nhật Bản chỉ sau món cơm hộp bento. Số liệu từ Bộ Nội vụ cho thấy người Nhật tăng chi 66% cho onigiri và các món ăn từ gạo làm sẵn khác trong hai thập kỷ qua. Sau quyết định của Michelin, số lượng nhà hàng onigiri cũng tăng nhanh chóng.
Cơn sốt onigiri cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu về bữa ăn mang đi tăng trong thời đại dịch Covid-19, sau đó là lạm phát, khiến dân công sở "thắt hầu bao" cho bữa trưa.
Chủ tịch Nakamura giải thích giá gạo nội địa tương đối ổn định, trong khi các loại ngũ cốc nhập khẩu như lúa mì trở nên đắt đỏ do chiến sự Ukraine.
Cơm gạo có vai trò quan trọng và sâu sắc trong văn hóa Nhật Bản. Theo Thần đạo, gạo là lễ vật dâng lên các vị thần. Hình tam giác truyền thống của cơm nắm onigiri có thể biểu trưng cho những ngọn núi, nơi có nhiều vị thần trú ngụ.
Onigiri cũng đang vươn dần ra thế giới, khi Nhật Bản đón lượng du khách kỷ lục và văn hóa Nhật ngày càng phổ biến. Chuỗi cơm nắm Omusubi Gonbei đã mở cửa hàng ở Paris và New York. Nhiều thực khách ngoại quốc dần coi onigiri là một lựa chọn lành mạnh cho bữa trưa.
"Món ăn này nhẹ bụng, dễ ăn và tốt cho sức khỏe. Không cần phải lăn tăn về calo khi ăn một nắm cơm", Sean King, 53 tuổi, thực khách New York, nói.
Gia đình Yamada, trồng lúa lâu năm ở Fukushima, nhận ra tiềm năng của onigiri sau đợt quảng bá lúa gạo hậu thảm kịch hạt nhân năm 2011. Cô đăng ảnh cơm nắm trình bày đẹp mắt lên mạng xã hội, bắt đầu phát triển kinh doanh kể từ đó.
Chủ tịch Nakamura cho hay các quán onigiri thường không đủ tài chính cho quảng cáo, nhưng những bức ảnh cơm nắm đủ sắc màu với nhiều loại nhân lan truyền trên mạng xã hội đã góp phần quan trọng tăng độ phổ biến của onigiri.
Thực khách trẻ bắt đầu bị những nắm cơm cao cấp thu hút. Những biến thể này làm từ nguyên liệu chất lượng, có nhiều loại nhân mới lạ, phần cơm trộn thêm ngũ cốc để tăng dinh dưỡng.
Năm 2022, Taro Tokyo Onigiri mở thêm hai cơ sở mới ở thủ đô, bán onigiri cao cấp, giá khoảng 430 yen một nắm (khoảng 2,85 USD). Miyuki Kawarada, 27 tuổi, chủ tịch công ty, có tham vọng mở hàng chục cơ sở ở nước ngoài, mong muốn một ngày nào đó cơm nắm soán ngôi sushi, trở thành mặt hàng xuất khẩu ẩm thực nổi tiếng nhất của đất nước.
"Tại Nhật Bản cũng như tại nước ngoài, tôi muốn làm mới hình ảnh nắm cơm cổ điển, cũ kỹ. Món ăn này dễ điều chỉnh cho phù hợp với nhiều nền văn hóa, có thể thuần chay hoặc nhân halah", cô nói.
|
|