Từ năm 2013, cơ quan quản lý liên bang Mỹ đã ngừng việc yêu cầu hành khách tắt nguồn thiết bị di động khi máy bay cất cánh.
Mới đây nhất là thông tin châu Âu đang hướng đến việc cho phép hành khách nghe gọi điện thoại 5G trên máy bay.
Tuy nhiên, dù cho các quy định bay đang dần được nới lỏng hơn, thì quy tắc về việc tắt bỏ các thiết bị điện tử bao gồm điện thoại di động và máy tính xách tay vẫn tồn tại và được áp dụng.
Tại sao lại như thế, liệu việc đó có thực sự gây ảnh hưởng đến chuyến bay?
John Nance, phi công và chuyên gia tư vấn an toàn cho biết, cũng như các quy định về thiết bị điện tử khác, nỗi lo ở đây bắt nguồn từ việc rủi ro nhiễu sóng vô tuyến. Dù phần lớn điều này đã được giảm bớt nhờ vào những tiến bộ trong công nghệ và tấm chắn tần số vô tuyến ngày nay. Vì thế nguyên nhân chủ yếu hiện nay của các quy tắc là hướng đến an toàn về thể chất, chính là nguy cơ mà máy tính xách tay sẽ gây cản trở trong quá trình sơ tán khẩn cấp hoặc trở thành chướng ngại vật, va chạm với hành khách trong trường hợp hỗn loạn.
"Về cơ bản, chúng tôi muốn mọi thứ trở nên gọn gàng nhất có thể, đề phòng trường hợp bạn phải bò ra khỏi máy bay trong thời gian ít ỏi 90 giây." Nance cũng cho biết thêm nên rút dây sạc trong quá trình cất cánh và hạ cánh để giảm nguy cơ vấp ngã do vướng dây.
Trong một chính sách vào năm 2013, Cục hàng không Liên bang đã từng giải thích rằng "các thiết bị điện tử cá nhân lớn phải được cất gọn trong quá trình máy bay cất và hạ cánh, để không gây nguy hiểm trong trường hợp nhiễu loạn nghiêm trọng." Quy tắc tương tự như lý do mà khay bàn ăn phải được xếp gọn và ghế phải được dựng thẳng đứng.
Hầu hết các quy tắc máy bay đều tập trung chủ yếu vào việc cất và hạ cánh vì đó đều là những giai đoạn có nguy cơ xảy ra sự cố lớn nhất. Sau đó, tuỳ vào mỗi hàng bay mà quy tắc sẽ được thiết lập các chi tiết cụ thể hơn từ bộ quy định chung của FAA.
Ví dụ như hãng United chỉ cho phép hành khách sử dụng thiết bị điện tử cá nhân ở độ cao trên 3048m hoặc khi được tổ bay thông báo. Bên cạnh đó, United cũng cấm các thiết bị sử dụng pin lithium ion vượt quá 100 watt/giờ và pin lithium trên 2 gram.
Giải thích về điều này, Nance cho biết pin lithium ion có trong hầu hết các thiết bị tiêu dùng, rất dễ bắt lửa nếu hư hỏng hoặc gặp lỗi trong quá trình sản xuất, gây ra mối lo ngại lớn trong ngành an toàn hàng không. Vì thế “Các hãng hàng không thường yêu cầu tất cả các thiết bị có pin lithium ion không được đặt ở hành lý ký gửi mà phải xách tay, để có thể phát hiện sớm và dập tắt bất kỳ đám cháy rủi ro nào. Nếu chẳng may chúng bốc chấy trong một vali nào đó ở khoang hành lý, sẽ không ai có thể nhận ra cho đến khi mọi chuyện trở nên vô cùng tồi tệ.”
Với việc yêu cầu hành khách cất gọn các thiết bị vào túi ghế trước mặt, hãng hàng không cũng phải tính toán và đảm bảo chiếc túi này sẽ không tạo ra mối nguy hiểm cản trở trong quá trình sơ tán. Thông thường cái túi ở phía ghế trước được thiết kế để chứa trọng lượng tối đa là 1,3kg bao gồm cả các quyển tạp chí do hãng đặt trong đó, tức là máy tính xách tay có thể quá tải với trọng lượng này.
FAA cho biết trong hướng dẫn của mình: “Nếu túi ghế phía trước không thể giữ tất cả đồ đạc mà bạn cần, thì tức là nó đã đến giới hạn, những món đồ sót lại sẽ có thể va chạm và làm hành khách bị thương trong trường hợp hỗn loạn.”
Thậm chí một số hãng hàng không còn chuyển sang dùng túi nhựa hoặc túi lưới để ngăn hành khách cất giữ các thiết bị điện tử cỡ nặng trong chiếc túi đó.