Mỹ đã xét nghiệm toàn bộ 3.500 người trên du thuyền. Giới chức y tế Mỹ xét nghiệm gần 3.500 hành khách và thủy thủ trên du thuyền Grand Princess sau khi một người từng đi tàu chết vì nCoV.
Toàn bộ 2.383 hành khách trên Grand Princess đang được yêu cầu ở yên trong các cabin khi con tàu bị phong tỏa ngoài khơi thành phố San Francisco, bang California để tiến hành xét nghiệm.
Các nhân viên y tế bay trực thăng đến tàu để xét nghiệm nCoV cho các hành khách và 1.100 thủy thủ, sau khi ba hành khách từng đi tàu có kết quả dương tính với nCoV, trong đó một cụ ông 71 tuổi đã tử vong hôm 4/3. Ba người này cùng tham gia chuyến du lịch khứ hồi bằng tàu Grand Princess từ thành phố San Francisco tới Mexico tháng trước.
Du thuyền Grand Princess nhìn từ trực thăng của Tuần duyên California hôm 5/3. Ảnh: AFP
Khi tàu trở về cảng San Francisco hôm 21/2, hàng nghìn hàng khách đã lên bờ và hàng nghìn khách khác lên tàu để bắt đầu hành trình mới tới Hawaii. Tuy nhiên, du thuyền đã phải cắt ngắn hành trình tới Hawaii để trở về San Francisco sau khi một số hành khách và thành viên thủy thủ đoàn có triệu chứng giống cúm.
Con tàu dự định cập cảng hôm 4/3, nhưng bị giới chức thành phố San Francisco từ chối, yêu cầu nó thả neo ở vùng biển quốc tế ngoài khơi California để lực lượng tuần duyên và Trung tâm Kiểm soát Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) phối hợp kiểm tra.
Carolyn Wright, một trong các hành khách, cho biết mọi người trên tàu không hoảng loạn. "Có hai ca nhiễm nCoV từ chuyến đi trước và họ hành động như mọi người trên tàu đều mắc bệnh", bà Wright, 63 tuổi, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ở bang New Mexico đang đi du lịch cùng bạn, nói.
Bà cho biết các hành khách được yêu cầu ở yên trong cabin và kết quả xét nghiệm sẽ được công bố vào ngày 6/3.
"Tôi thực sự không lo lắng. Nguy cơ của chúng tôi khá thấp", bà nói, thêm rằng các hành khách đều có tinh thần tốt, dù điều đó có thể thay đổi nếu họ kẹt trong cabin quá lâu.
"Phần lớn những người trên tàu đều trên 60 đến 90 tuổi, và hầu hết là những người đã nhiều lần du lịch bằng tàu", Wright cho biết.
Giới chức y tế chưa rõ khi nào gần 3.500 người trên Grand Princess sẽ được lên bờ và con tàu sẽ được phép cập bến ở đâu. Theo bà Mary Ellen Carroll, giám đốc Ban Quản lý Khẩn cấp San Francisco, có 35 người xuất hiện triệu chứng giống cúm trong suốt hành trình 15 ngày, nhưng nhiều người đã khỏe lại. Một khi có kết quả xét nghiệm, CDC và giới chức California sẽ quyết định địa điểm thích hợp nhất cho con tàu cập bến.
"Vị trí này cần đảm bảo an toàn cho cộng đồng xung quanh cũng như hành khách và thủy thủ", bà Carroll nói. "CDC và giới chức bang đang cân nhắc một số địa điểm, bao gồm San Francisco".
Mỹ hiện ghi nhận hơn 180 ca Covid-19 và 12 người tử vong, trong đó có 10 người ở bang Washington.
Grand Princess cũng thuộc sở hữu của Princess Cruises, công ty chủ quản Diamond Princess, du thuyền bị phong tỏa ở cảng Yokohama, Nhật Bản tháng trước với hơn 700 người nhiễm nCoV và 6 người tử vong. Giới chức Nhật Bản bị chỉ trích là làm tăng khả năng lây nhiễm chéo khi cách ly gần 3.700 người trên tàu và không tiến hành xét nghiệm nCoV cho tất cả với lý do thiếu nguồn lực. Nhiều người có kết quả âm tính đã rời tàu nhưng sau đó lại được xác định nhiễm nCoV.