Chỉ vì những nghi ngờ nhỏ nhặt và thiếu lòng tin ở vợ, mà một người chồng đã phải trả giá bằng sự đau đớn tột cùng và cả sinh mạng của mình, để lại nỗi ám ảnh suốt đời cho những người trong cuộc.
Nghi ngờ từ tin đồn
Bi kịch của họ có nguồn gốc ban đầu cũng từ cái nghèo. Vì nghèo mà anh Hà Văn Thanh (*) phải xa vợ con, từ Thanh Hoá vào Bình Dương làm thuê kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Ở Bình Dương, anh Thanh xin làm thợ nề, làm quần quật ngày đêm, dành dụm tiền gửi về phụ vợ nuôi hai đứa con gái đang tuổi cập kê. Về phần chị Lê Thị Hạnh, vợ anh Thanh, ở nhà cũng chăm chỉ làm ruộng, chăm nom hai con và vun vén gia đình.
Tết 2009, anh Bình tranh thủ về thật sớm để sum họp với vợ con. Thế nhưng, về đến quê, niềm vui chưa được bao lâu thì anh Thanh nghe râm ran tin đồn vợ mình ở nhà "tằng tịu" với trai trẻ ở ngay gần nhà.
Người ta đồn, trong suốt những ngày anh đi xa, gã trai ấy thường lén lút hẹn hò, “trăng gió” với chị, vài người quen của anh đã tình cờ chứng kiến. Đang vui, nghe chuyện như sét đánh, anh Thanh vội căn vặn vợ, nhưng chị Hạnh kiên quyết phủ nhận, chị bảo mình một mực chung thủy, lo làm lụng, chăm sóc các con, thời gian đâu nghĩ đến chuyện bồ bịch.
Thế nhưng, mối nghi ngờ đã bị gieo vào lòng, khó mà gỡ bỏ được. Cộng với lời đàm tiếu của thiên hạ, khiến anh Thanh càng quay cuồng trong những dấu chấm hỏi. Suốt thời điểm cận Tết, trong khi mọi nhà đang rộn ràng sửa soạn đón xuân thì ngôi nhà của họ lạnh tanh khói lửa, anh Thanh chỉ biết nhậu nhẹt quên đời, say về lại tra gạn vợ. Những cuộc cãi vã giữa họ ngày một gay gắt.
Mâu thuẫn đã lên đỉnh điểm khi anh Thanh quyết định "triệu tập" nội ngoại hai bên gia đình. Trong bữa họp mặt này, anh thẳng thừng tuyên bố mình là một người chồng lo lắng hết mình cho gia đình, nhưng trong lúc đi xa làm ăn những mong vợ con sung sướng thì lại bị vợ "cắm sừng".
Anh lên án vợ mình là người đàn bà ích kỷ, phản bội, đã giết chết niềm tin nơi chồng con. Anh Thanh tuyên bố li dị vợ, để vợ tự do đến với nhân tình và không chấp nhận chị Hạnh ở trong căn nhà chung của hai vợ chồng nữa.
Những lời này khiến cả hai bên gia đình nhìn chị Hạnh với thái độ buồn bực, giận dữ. Chưa hết, ngay sau buổi họp gia đình, anh Thanh gom hết quần áo của vợ đem ra đường, anh kiên quyết đuổi chị đi.
Người vợ bị hắt hủi lang thang ngoài đường giữa cái rét đầu xuân, nhìn vào những cảnh gia đình ấm cúng ngày Tết, tự thấy xót xa cho mình, rồi dần cảm thấy ê chề, căm phẫn chồng mình. Trong đầu người vợ nảy sinh ý nghĩ phải làm gì bắt chồng trả giá vì những điều đã gây ra cho mình.
Khi người vợ bị dồn ép
Đêm hôm sau, giữa khuya tĩnh mịch, chị Hạnh lẻn vào ngôi nhà của chính mình, đến đầu giường, nơi chồng đang say giấc trong chăn. Chị cầm nguyên can a xít mà mình đã tìm mua trước đó, đổ trọn lên người chồng. Trong cơn đau đớn kinh hoàng, anh Thanh vùng vẫy, la hét rồi bất tỉnh.
Hai tháng sau, do không chống cự nổi với những vết thương và vết cháy sâu hoắm, nham nhở làm mủ trên cơ thể do chính tay người vợ gây ra, anh Thanh trút hơi thở cuối cùng.
Hành vi của Hạnh đã phải đền tội trước pháp luật. Tại phiên tòa, chị Hạnh không nói nhiều, nước mắt rơi lã chã. Những giọt nước mắt ân hận khi tòa gợi lại nỗi đau của người chồng và tội ác đáng sợ chị đã gây ra. 12 năm tù và 100 triệu đồng tiền bồi thường là cái án được cho là quá nhẹ đối với chị.
Chẳng biết câu chuyện ngoại tình kia có thực hay không, chỉ biết là xuất phát từ vài lời đồn, mà một gia đình đang êm ấm bỗng dưng rơi vào bi kịch khủng khiếp. Giá mà người chồng ấy độ lượng hơn, biết “đóng cửa bảo nhau” để dàn xếp gia đình. Giá mà người vợ ấy, trước khi hành động nông nổi, chịu dừng lại một phút để nhớ về những tháng ngày êm ấm, hạnh phúc, biết thương và nghĩ đến hậu quả cho những đứa con mình.
Anh Quân
* Tên các nhân vật đã được thay đổi