Không được hộ nghèo, vợ của người anh tới nhà cán bộ thôn chửi mắng, rồi sau đó viết đơn kiện lên xã, huyện.
LTS: Sau khi đăng bài “Suýt đánh bí thư xóm vì không được nghèo”, Tòa soạn Phunutoday tiếp tục nhận được bài của bạn đọc Lê Hùng Kim (Thanh Hóa, hungkimle79@...) về câu chuyện bầu chọn hộ nghèo ở thôn và bạn học của mình. Chúng tôi xin đăng nguyên văn lá thư của bạn Kim.
Kính gửi báo Phunutoday!
Dưới đây là câu chuyện hoàn toàn có thật, vì có lần tôi về nhà chơi, bố tôi bận, bảo tôi đi họp thôn hộ ông nên tôi được trực tiếp chứng kiến, cùng với những lời kể của bố mẹ và mọi người trong thôn. Tôi kể là sự thật, mong mọi người đừng “ném đá” tôi.
Thôn tôi thuộc một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, cả thôn chỉ có gầm 100 hộ. Năm 2010, đợt đầu khi bình xét hộ nghèo, thôn chỉ bầu có 11 hộ nghèo, nhưng sau đó, để đủ số hộ nghèo cần thiết để huyện được vào danh sách 62 huyện nghèo nhất nước, số hộ nghèo được điều chỉnh tăng lên 20, ngoài ra còn khoảng 30 hộ cận nghèo.
Anh em từ mặt nhau vì nhà được hộ nghèo nhà không.
Ảnh minh họa Internet.
Việc bầu chọn hộ nghèo dựa trên tiêu chí thu nhập, số người sống phụ thuộc, lao động chính… Bảng tiêu chí có sẵn, các hộ sẽ tự kê khai, sau đó tính tổng thu nhập, lựa chọn theo thứ tự từ thấp tới cao. Số lượng hộ nghèo mỗi thôn thường ít khi được căn cứ theo mức thu nhập, mà căn cứ theo chỉ tiêu được xã giao về hàng năm. Và năm sau kiểu gì cũng giảm hơn năm trước, để thấy chính sách giảm nghèo phát huy hiệu quả.
Kết thúc mỗi phiên bình bầu hộ nghèo, cả thôn phải bàn tán cả tháng trời vì nhà được nhà không, dù trong cuộc họp ai cũng đồng ý danh sách vì nể nhau. Có người nói cán bộ thiên vị, nhà đó giàu vậy sao được, còn nhà mình nghèo hơn thì không; nhà đó có người làm nhưng không làm để được nghèo, mình lăn ra làm thì bị cho là giàu; nhà tôi người ốm đau liên miên lại không được…
Năm nào cũng vậy, sau mỗi lần bình bầu hộ nghèo là cả thôn lại náo động. Người đồn ra đồn vào. Thậm chí còn xảy ra kiện tụng.
Mới đây nhất, sau kỳ họp bình bầu hộ nghèo năm 2013, hai gia đình là anh em trong nhà, người em được thôn bầu cho hộ nghèo, còn người anh thì không được, hai nhà lại chỉ cách nhau chưa tới trăm mét. Vậy là người chị dâu liền đi kiện, sau khi kiện lên thôn, làm loạn cả nhà trưởng thôn, bí thư thôn, thậm tệ hơn còn mắng chửi cả lãnh đạo, với đủ cách nói, so sánh. Giờ cả thôn nhắc đến hai gia đình này ai cũng biết.
Sau khi khiếu nại ở thôn không được, người chị dâu còn lên tận xã, huyện để kiện. Và giờ đây huyện chuyển đơn về cho xã giải quyết, vì vậy danh sách hộ nghèo của thôn vẫn chưa xong vì đang xảy ra kiện tụng, khiếu nại. Trong khi chờ đợi kết quả, hai gia đình không còn qua lại, chào hỏi gì nhau nữa.
Có nhiều năm, họp lên xuống 4-5 cuộc mới chốt được danh sách hộ nghèo. Nhiều lần, vì quá gấp, sau nhiều lần họp không xong, cuối cùng lãnh đạo thôn phải đứng ra tự quyết, sau đó đưa ra cho bà con thông qua, khi đó mới chốt được danh sách.
Hiện nay hộ nghèo đang được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi, chăm lo của nhà nước cả về tinh thần lẫn vật chất, nên nhiều gia đình quyết giành giật bằng được danh hiệu này.
Còn nhớ, trong những năm tôi học Đại học, đấy là thời điểm 2007, tôi có người bạn, nhà bạn kinh tế rất ổn định, có của ăn của để, đi học cũng được bố mẹ sắp cho xe máy, đồng hồ đeo tay, nhẫn, vòng cổ bằng vàng. Nhờ quen biết ở địa phương nên được một “suất” hộ nghèo, vậy là được giảm học phí.
Bình thường bạn ấy vẫn đeo vòng, nhẫn trên người, nhưng mỗi lần lên văn phòng trường nộp học phí bạn đều tháo bỏ những thứ đấy ở nhà, ăn mặc cũng bình dị hơn, thậm chí đầu tóc phải hơi luộm thuộm, để tỏ ra mình nghèo rồi mới dám đi nộp học phí, để cán bộ trường không nói gì được.
Thậm chí, khi bạn ấy nói mình là con nhà nghèo nhiều bạn học trong lớp không ai tin. Tôi nhớ có lần trong một cuộc vui, vì không ai tin bạn ấy nhà nghèo, nên bạn ấy đã cá cược bữa thịt chó với các bạn, Khi đưa hóa đơn thu học phí ra thì mọi người mới nhăn mặt móc ví trả tiền thịt chó.
Chính sách hỗ trợ hộ nghèo của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, nhưng thiết nghĩ Nhà nước nên xem lại cách làm để không thể dùng ngân sách hỗ trợ như hiện nay. Bởi với cách làm hiện nay, nhiều nhà ỷ lại, không lao động để được nghèo, được nhà nước cho tiền, cho gạo… không phấn đấu lao động, vượt khó, thậm chí mất cả tình làng, nghĩa xóm.
Lê Hùng Kim (Thanh Hóa)
theo PNTD