Hai ông Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào sẽ chia sẻ quyền quyết định về quân đội kể cả sau Đại hội 18
Thay đổi nhân sự trong Quân Giải phóng có mục tiêu tăng ảnh hưởng của ông Tập Cận Bình và duy trì vị thế của Hồ Cẩm Đào, theo các bình luận từ bên ngoài.
Chưa đầy hai tuần trước Đại hội Đảng 18, Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố một loạt thay đổi ở hàng tướng lĩnh, đưa lên những người trẻ hơn hẳn lớp đang phải về hưu.
Trong số các vị trí này có một Tổng tham mưu trưởng và hai Phó Tổng tham mưu trưởng mới và các chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Hậu cần và Thiệt bị.
Trước đó, trong năm nay Trung Quốc cũng đã thay một loạt các tư lệnh quân binh chủng quan trọng, hoặc quân khu, gồm cả tư lệnh lực lượng đóng ở Đặc khu Hong Kong.
Nhưng các chức vụ mới này còn có mục tiêu chính trị là nâng vị thế của người dự kiến lên làm Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình.
Chủ tịch Đảng Hồ Cẩm Đào cũng có nhiều khả năng tuy rời vị trí về mặt Nhà nước và Đảng nhưng vẫn nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương để đảm bảo sự kiểm soát với Quân đội.
Đảm bảo thân tín
Theo bình luận của Jeremy Page trên báo Mỹ, tờ Wall Street Journal hôm 25/10, Thượng tướng Phòng Phong Huy, nhân vật thân tín của ông Hồ Cẩm Đào, được bổ nhiệm rằng tân Tổng tham mưu trưởng.
Trước đó, ông Phòng Phong Huy (61 tuổi) là tư lệnh quân khu Bắc Kinh, lực lượng trọng yếu, chuyên bảo vệ các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước của Trung Quốc.
Tướng Thường Vạn Toàn (62 tuổi), một trong số nhân vật được thăng chức, là người do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đỡ đầu.
Tướng Trương Hựu Hiệp (62 tuổi), người có tiếng là thân với Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, nhận chức mới là Chủ nhiệm Tổng cục Thiết bị Quân sự, cơ quan lo mua và phát triển các loại vũ khí mới cho Trung Quốc.

Tầm bắn của hỏa tiễn đạn đạo Trung Quốc nay bao trùm nhiều khu vực
Nếu như ông Tập thuộc hàng con ông cháu cha (Thái tử đảng) thì Trung tướng Trương cũng có gốc gác tương tự.
Cha ông, Tướng Trương Tông Tốn là một nhân vật lão thành cách mạng, từng làm tham mưu trưởng quân đoàn 4 của Hồng quân Công nông Trung Quốc và một trong 10 vị tướng nổi tiếng thời Kháng Nhật.
Tướng Trương Tông Tốn còn là bạn thân của ông Tập Trọng Huân, một nhân vật cao cấp trong Đảng thời lập quốc, cha của ông Tập Cận Bình.
Có tin nói sau khi ông Tập trở thành Phó Chủ tịch thứ nhất của Quân ủy Trung ương năm 2010 đã có ít nhiều tiếng nói trong vụ phong tướng cho ông Trương Hựu Hiệp năm 2011, theo bài trên tờ Wall Street Journal.
Một vị tướng 'con ông cháu cha' là Lưu Nguyên, con của cố Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, tuy vẫn là Chính ủy Học viện Quân sự Quân giải phóng nhưng không được lên nắm Tổng cục Chính trị vì quan hệ gần với ông Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Trùng Khánh vừa bị phế truất.
Nhưng độ tuổi của các nhân vật được thăng chức cũng trẻ hơn lứa phải từ nhiệm hoặc về hưu tới cả một thập niên.
Không chỉ các vị Trương Hựu Hiệp và Phòng Phong Huy đều mới vào tuổi 60, Tướng Trương Dương, tân Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị năm nay 61 tuổi.
Tướng Mã Hiểu Thiên, tân Tư lệnh Không quân năm nay 63.
Tướng Nguỵ Phượng Hòa, năm nay 58.
Họ là thế hệ thay thế cho các tướng về hưu như Lương Quang Liệt (72), Trần Bỉnh Đức (71), Lý Kế Nại (70), Liêu Tích Long (72).
Chuyển hướng chiến lược
Các chức vụ mới này còn cho thấy hướng đi của Quân giải phóng đã khác trước, theo bình luận của Christopher Bodeen, AP từ Bắc Kinh hôm thứ Năm.
Chẳng hạn chức tư lệnh Không quân được phong cho Tướng Mã Hiểu Thiên, cựu phi công cho thấy không quân ngày càng đóng vai trò quan trọng cho chiến lược quốc phòng của Bắc Kinh.

Sau cuộc chiến đánh Việt Nam nay quân đội Trung Quốc đã thay đổi nhiều và thành tích chiến trường không quyết định thăng chức
Theo đánh giá của giới quan sát được AP trích dẫn, kể từ sau Chiến tranh Biên giới với Việt Nam nổ ra năm 1979, quân đội Trung Quốc chưa hề lâm chiến ở một trận lớn nào.
Vì thế, thành tích chiến trường cũng không còn là tiêu chuẩn để thăng chức.
Nhưng Trung Quốc cũng hướng tới phát triển hỏa tiễn, không quân và hải quân mạnh hơn trước, dù toàn bộ các binh chủng gồm cả lực lượng bộ binh chính quy và địa phương, vẫn còn rất đông, tới 2,3 triệu quân.
Quân đoàn Tên lửa 2, đơn vị chiến lược của Trung Quốc, cũng liên tục có các cuộc thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa trong những năm qua.
Hải quân Quân Giải phóng cũng vừa đưa vào sử dụng để huấn luyện hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc đóng lại từ một tàu cũ của Ukraina.
(BBC)