Ấn Độ sẽ bí mật tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình Nirbhay trong tháng 8/2012 tới.
Không giống lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo Agni-V được công bố một cách rộng rãi nhằm quảng bá sức mạnh, việc thử nghiệm tên lửa hành trình Nirbhay sẽ diễn ra tại một địa điểm bí mật. Điều đó cho thấy, Nirbhay là chương trình phát triển tên lửa mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với Ấn Độ.
Nirbhay là tên lửa hành trình tốc độ cận âm, được cho là có tầm bắn khoảng 1.000km. Sự phát triển của chương trình này được bảo mật thông tin rất chặt chẽ.
Sự phát triển của Nirbhay có sự giúp đỡ từ phía nhà sản xuất động cơ tên lửa phản lực hang đầu của Nga và NPO Saturn.
Đến bây giờ, đây vẫn là mô hình duy nhất được cho là của tên lửa hành trình Nirbhay. Chương trình được tiết lộ vào năm 2006.
Đến nay chưa có bất cứ hình ảnh thực nào về Nirbhay được công bố.
Theo các nguồn tin của DRDO, tên lửa Nirbhay sử dụng động cơ do Nga sản xuất, phần còn lại gồm hệ thống dẫn hướng, cảm biến, hệ thống kiểm soát chuyến bay đều do Ấn Độ phát triển.
Mục đích của chương trình phát triển tên lửa Nirbhay chưa rõ ràng. Theo quan sát, Nirbhay có dáng dấp và mục đích sử dụng tương tự tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Thậm chí, có nguồn tin trong Quân đội Ấn Độ cho biết, vai trò của tên lửa hành trình Nirbhay quan trọng hơn nhiều so với gia đình tên lửa Angi.
Một quan chức quân đội Ấn Độ cho biết, tên lửa hành trình có tốc độ cận âm với khả năng bay men theo địa hình với tầm bắn từ 750-1.000km có ý nghĩa răn đe nhiều hơn so với tên lửa đạn đạo. Đó là lý do tại sao Ấn Độ cần Nirbhay hơn.
Nirbhay có khả năng trang bị tới 24 loại đầu đạn khác nhau. Loại tên lửa hành trình này sẽ là nòng cốt trong lực lượng tấn công của quân đội Ấn Độ, tên lửa có khả năng phóng từ bệ phóng cơ động trên đất liền, tàu chiến và cả tiêm kích Su-30MKI.
Việt Trung (theo Asiadefence)