Trung Quốc liên tiếp khẳng định đẳng cấp của mình trong phát triển khoa học công nghệ khi thực hiện thành công hai sứ mệnh quan trọng cùng lúc.
Ngày 24/6, Trung Quốc đã thực hiện thành công cuộc nối ghép bằng tay trên vũ trụ giữa tàu Thần Châu 9 với phòng thí nghiệm vũ trụ Thiên Cung 1, và lập kỷ lục mới lặn sâu 7.015m dưới mực nước biển của tàu lặn Giao Long ở Thái Bình Dương.
Ba nhà du hành vũ trụ Trung Quốc đã hoàn thành việc lắp ghép "thủ công" giữa tàu vũ trụ Thần Châu 9 với phòng thí nghiệm vũ trụ Thiên Cung 1 lúc 13g (giờ địa phương). Việc nối ghép được xem là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một trạm vũ trụ riêng của Trung Quốc mà nước này hy vọng sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Những hình ảnh của cuộc nối ghép đã được truyền hình trực tiếp. Khoảng 1 tiếng rưỡi trước khi lắp ghép, tàu Thần Châu 9 cách phòng thí nghiệm vũ trụ Thiên Cung 1 khoảng 400m tính từ các mo-đun. Để thực hiện cú ghép nối do con người điều khiển, trước tiên các phi hành gia đã tách tàu Thần Châu 9 ra khỏi mô-đun Thiên Cung 1, đưa tàu đến một vị trí thích hợp rồi điều khiển cho tàu trở về điểm lắp ghép.
Theo phân công từ trước, trưởng đoàn Cảnh Hải Bằng chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình ghép nối, còn thành viên Lưu Vương sẽ trực tiếp thực hiện các thao tác lắp ghép dưới sự điều hành của trưởng đoàn.
Trước đó, Thần Châu 9 đã nối ghép với Thiên Cung 1 nhưng được thực hiện hoàn toàn tự động. Với thành công lịch sử này, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Nga) có thể thực hiện việc nối ghép có người điều khiển 2 tàu vũ trụ trong quỹ đạo. Nga và Mỹ đã làm chủ các kỹ thuật nối ghép có người điều khiển vào những năm 1960.
Tàu lặn Giao Long chinh phục độ sâu mới. (THX)
Trong khi đó, cùng ngày, tàu lặn Giao Long có người điều khiển của Trung Quốc đã thiết lập được một kỷ lục mới sau khi vượt qua mốc 7.000m, đạt độ sâu 7.015m trong lần lặn thử nghiệm lần thứ 4 rãnh Mariana thuộc Thái Bình Dương. Theo THX, vụ lặn lần thứ tư bắt đầu lúc 7 giờ sáng (giờ địa phương) khi trời mưa to, và tàu đạt tới độ sâu trên 7.000m lúc 11 giờ.
Ba nhà khoa học điều khiển tàu đã đưa Giao Long xuống đáy đại dương và từ đó gửi lời chào tới ba nhà du hành vũ trụ Trung Quốc trên tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-9, trong đó có nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc Lưu Dương, được phóng lên quỹ đạo ngày 16/6 vừa qua. “Tàu Giao Long đã trải qua 4 lần thử nghiệm cho thấy tàu vẫn hoạt động ổn định. Trình độ các nhân viên kỹ thuật của chúng ta ngày càng tốt hơn”, chỉ huy Liu Feng nói.
Trước đó, tàu Giao Long đã đạt tới các độ sâu 6.671m , 6.965m và 6.963m trong ba lần lặn trước, diễn ra trong thời gian từ ngày 15-22/6. Theo các chuyên gia, Trung Quốc sử dụng tàu lặn cho nghiên cứu khoa học như thu thập các mẫu nước, lớp trầm tích nhằm mục đích phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản trong tương lai.
Hiện tại, trên thế giới mới chỉ có 5 nước gồm Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga và Nhật chế tạo được tàu lặn có người điều khiển vượt qua ngưỡng sâu 3.500m. Mỹ vẫn là nước giữ kỷ lục lặn sâu 11.000 mét từ năm 1960 tại vực biển Mariannes, Thái Bình Dương.
P Loan