Huyện của tôi là một trong những nơi có chợ trời lớn nhất tại CH Séc. Đa số những người bán hàng ở đây là người Việt Nam có giấy tờ cư trú dài hạn trên đất Séc. Với khối lượng hàng hoá lớn như vậy, những cuộc xung đột giữa người bán và người mua ở đây xảy ra rất thường xuyên. Nếu có sự can thiệp của cảnh sát, mọi chuyện cũng sẽ chỉ dừng lại ở chỗ khác biệt văn hoá và ngôn ngữ. Trong những trường hợp như vậy chắc sẽ thích hợp hơn nếu như cảnh sát người Việt đứng ra giải quyết.
Hiện có khoảng 50 nghìn người Việt đang sinh sống tại Séc. Đa số họ gần nơi làm việc của mình tại các thành phố lớn. Thế hệ thứ ba của người Việt cũng đang dần lớn lên tại Séc, nhiều trong số họ mang quốc tịch Séc. Nhưng chắc chắn một điều những người này không muốn trở thành cảnh sát, với những lí do như:
a) cảnh sát không phải là một nghề kiếm ra tiền,
b) có nguy cơ cảnh sát người Việt sẽ bắt chính những người thân của mình,
c) thành kiến của đồng nghiệp và phần lớn người dân Séc.
Cảnh sát người Việt? Không bao giờ!
Nếu có người Việt nào đó vẫn quyết định theo nghiệp cảnh sát bấp chấp những trở ngại trên, người này sẽ được các cơ quan ưu tú như Đơn vị chống tội phạm có tổ chức (UOOZ) hay Sở phòng chống ma tuý quốc gia (NPC) xem xét kỹ lưỡng. Và con đường để trở thành một cảnh sát thực thụ của người can đảm này chắc chắn không phải là con đường bằng phẳng không có chông gai.
Cũng như đối với hầu hết tất cả mọi người kể cả với cảnh sát, họ sẽ cảm thấy dễ chịu khi trông thấy người Việt Nam với hình ảnh quen thuộc hơn là nhìn họ trong bộ quân phục của cảnh sát. Chúng ta thường nghĩ người Việt là những tên lừa đảo có tiếng, những người trồng cần sa hay là những kẻ gây rối loạn tại các cửa hàng khi mua hàng giảm giá với số lượng lớn. Hình ảnh này trên thực tế không nói lên điều gì về người Việt Nam cả. Hơn nữa, cộng đồng người Việt sống rất khép kín đối với phần lớn xã hội. Để hiểu được họ nghĩ gì và làm gì đòi hỏi một sự kiên nhẫn và cởi mở. Tuy nhiên, hai tính cách này lại thiếu ở các nhân viên cảnh sát.
Tôi không thôi thúc sự bùng nổ nền tảng đa văn hoá tại các cơ quan cảnh sát và việc tuyển dụng những người mang quốc tịch nước ngoài. Nhưng để cảnh sát làm việc hiệu quả hơn kể cả trong lĩnh vực có tỷ lệ lớn phần trăm người ngoại quốc, họ sẽ cần chính những người từ nền văn hoá đó.
Lý thuyết không giống thực hành
Gần đây, một bộ phận của chúng tôi đã giải quyết một vụ tranh cãi gay gắt giữa khách hàng và người bán hàng Việt Nam. Do rào cản ngôn ngữ và kém hiểu biết của các phiên dịch viên chúng tôi phải mất tới 7 tiếng đồng hồ mới có thể giải quyết xong vấn đề nhỏ con này. Đó là tôi còn chưa tính những cuộc điện thoại và xăng dầu để tìm đón được một thông dịch viên tới. Nếu như có nhân viên cảnh sát thông thạo cả hai ngôn ngữ, sự việc có lẽ đã được giải quyết chỉ trong vòng vài phút.
Nhiều người nghĩ rằng, nếu những người Việt sinh sống tại đây, lẽ ra họ phải biết tiếng Séc. Vâng, điều đó đúng. Những hai chữ “lẽ ra” lại chẳng giúp được gì trong trường hợp có tồn tại rào cản ngôn ngữ và văn hoá cả. Đó là lỗi của chính sách nhập cư Séc, họ không trang bị được cho những người chuyển đến đất nước chúng ta những hiểu biết về văn hoá và ngôn ngữ của chúng ta. Động lực để những người nhập cư có được những kiến thức này có cả hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Nhưng đó lại là một chuyện khác.
Cảnh sát ngoại quốc rất cần thiết
Quay trở lại với việc đại diện các dân tộc thiểu số đứng trong hàng ngũ cảnh sát Séc. Ai cũng nói về điều đó, nhưng chưa bao giờ có người nào nhìn thấy. Tuy nhiên, tại các nước phát triển ở Châu Âu, chuyện các sĩ quan cảnh sát là người ngoại quốc lại khá phổ biển. Còn về việc họ dung túng cộng đồng của mình thì chưa có nơi nào trên thế giới này xác nhận. Hơn nữa, những cảnh sát người ngoại quốc này có thể dạy cho đồng nghiệp của mình để họ hiểu hơn điều gì đang xảy ra trong cộng đồng dân tộc thiểu số để cùng tìm cách ngăn ngừa kịp thời những việc làm xấu.
Ở những năm 80, các nước như Anh, Pháp, Đức đã trải qua một cuộc phát triển đáng kinh ngạc của sự chung sống giữa người bản địa và người ngoại quốc. Điều đó có thể dạy cho chúng ta rằng, để tìm ra và phòng chống có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực giữa cộng đồng thiểu số, chúng ta cần để cho các thành viên của cộng đồng này tham gia vào các lực lượng an ninh. Nếu như không đạt được điều đó, các băng nhóm xã hội đen được thành lập từ chính những đứa trẻ nhập cư và chúng sẽ tấn công khủng bố ngay trên đất nước chúng ta.
Kết luận
Cá nhân tôi không có gặp khó khăn nào nếu có đồng nghiệp là người Việt Nam. Tôi không phải là người không có kinh nghiệm. Bạn gái tôi là người nước ngoài nên tôi biết thế nào là đối mặt với hai nền văn hoá khác nhau. Nhận biết cách nhìn một sự việc từ nhiều góc độ khác nhau không chỉ dạy cho chúng ta hiểu về người khác mà còn hiểu hơn về chính bản thân mình. Khi từ bỏ hết những định kiến về nguồn gốc, sắc tộc, chúng ta sẽ nhận thấy một điều, cái cốt lõi ở mỗi con người đều giống nhau.
Tác giả: Lukáš Heinz Policista.cz
Dịch: Ngọc Minh – vietinfo.eu