TT - Thông tin ông Phạm Trường Sinh (hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An) gửi đơn kiện UBND tỉnh Nghệ An xung quanh giải thưởng văn học - nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần 4 của tỉnh nhà đang làm nhiều người chú ý.

Tác phẩm Tiếp bước cha ông của Duy Anh (trên) và Khúc đồng ca của Trần Túy
Có nhiều dư luận ở giải thưởng này. Riêng ở mảng nhiếp ảnh, người ta lại phát hiện những bức ảnh của hai tác giả đoạt giải là... “giống nhau hoàn toàn”, nhưng tác giả thì vẫn được giải. Xem ra chuyện những cuộc thi, giải thưởng có ảnh giống nhau mà vẫn đoạt giải ở ta không còn là chuyện quá... hi hữu nữa (!).
Còn nhớ ở Liên hoan ảnh vùng Đông Nam bộ 2011 (tháng 9-2011 tại Bình Dương) cũng xảy ra một trường hợp tương tự, khi mà tác phẩm Khúc đồng ca của Trần Túy (Bình Thuận) khiến nhiều người nhớ ngay đến bức ảnh Tiếp bước cha ông trước đó của nhiếp ảnh gia Duy Anh, nhưng khó hiểu là Khúc đồng ca vẫn được chấm giải cao nhất: huy chương vàng (HCV). Tiếp bước cha ông của Duy Anh là tác phẩm đã từng đoạt HCV Liên hoan ảnh đồng bằng sông Cửu Long năm 1998 và giải xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN năm 1999.
So sánh hai bức ảnh, nhiếp ảnh gia Trần Vĩnh Nghĩa (Bình Thuận) đánh giá là giống nhau về bố cục, ánh sáng, nhân vật...
Cái khác chăng là ở phông nền: tác phẩm của Duy Anh được chụp trong studio, còn ảnh của Trần Túy có phông nền là một nghĩa trang liệt sĩ.
Nhiếp ảnh gia Phạm Văn Bình (Lâm Đồng) cũng cho biết khi chọn bức ảnh của Trần Túy đã có nhiều ý kiến phản ứng, bản thân một vài vị trong ban giám khảo cũng nhận ra sự giống nhau giữa hai bức ảnh. Tuy nhiên, bản thân anh và nhiều nhiếp ảnh gia khác cũng không thể hiểu nổi tại sao HCV vẫn được trao cho Khúc đồng ca.
Nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ - một thành viên của ban giám khảo xác nhận rằng ban giám khảo có biết ảnh của Trần Túy giống ảnh của Duy Anh. Tuy vậy, theo giải thích của bà Đào Hoa Nữ, sở dĩ ban giám khảo vẫn quyết định trao giải là vì... không tìm thấy bức ảnh nào tốt hơn, đạt hơn so với Khúc đồng ca của Trần Túy trong cuộc thi!
Giờ đây, khi giải thưởng Hồ Xuân Hương đang vướng vào sự kiện tụng, nhắc lại chuyện bức Tiếp bước cha ông và Khúc đồng ca, nhiều người không thể không đặt câu hỏi: Chất lượng, tiêu chí trao giải của các hội đồng nghệ thuật đang đi về đâu? Với bất cứ cuộc thi nào, trao một giải thưởng cũng là trao một tín hiệu, gửi đi một lời nhắn gửi. Sẽ ủng hộ cho những tìm tòi, sáng tạo mới lạ hay khuyến khích sự lặp lại, cũ mòn trong ý tưởng sáng tạo đều có thể nhận ra từ quyết định của các ban giám khảo. Giá mà trọng trách ấy lúc nào cũng được coi trọng!
Ở Festival mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011 (từ ngày 28-11 đến 9-12-2011 tại Hà Nội), khi bức tranh Chờ xử lýcủa Đỗ Trung Kiên được kết luận là mô phỏng ý tưởng của tác phẩm Phượt II của họa sĩ Nguyễn Quang Hải sáng tác trước đó, lập tức ban giám khảo đã quyết định loại tranh của Đỗ Trung Kiên để đảm bảo tính công bằng cho cuộc chơi.
Một chuyện cần làm như thế nhưng giới nhiếp ảnh lại không làm được thì... chuyện này chắc chỉ có những hội đồng nghệ thuật mới hiểu!
QUANG THI

Hai trong số các bức ảnh giống nhau của Sỹ Minh (trên) và Trần Duy Ngoãn (ảnh chụp lại từ sách) - Ảnh: Vũ Toàn
Giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương (2005-2010) của tỉnh Nghệ An đáng lẽ được trao ngày 2-9-2011 nhưng mãi đến 31-12-2011 mới chính thức làm lễ. Lý do vì quá nhiều chuyện lình xình trong công tác tổ chức dẫn đến việc nhiều văn nghệ sĩ khiếu kiện lên ban chỉ đạo giải thưởng. Riêng ông Phạm Trường Sinh đã gửi đơn đến tòa án nhân dân tỉnh khởi kiện về việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong quá trình chấm giải.
Một trong những vụ khiếu kiện đến tận ngày trao giải là việc các nghệ sĩ nhiếp ảnh ta thán về nhiều tấm ảnh của hai tác giả Sỹ Minh và Trần Duy Ngoãn “giống nhau y chang”. Đặc biệt bốn tấm ảnh: Nước mắm Ngư Hải, Bạn cùng nhà nông, Thuyền về lạch Vạn và Lễ hội đền thờ vua Quang Trung. Bốn tấm ảnh này Sỹ Minh từng gửi dự Liên hoan ảnh bắc miền Trung tại Thừa Thiên - Huế năm 2007 hoặc in trong cuốn sách ảnh Tình đất, tình người (NXB Nghệ An-2006). Đến nay bốn tấm ảnh đó bỗng dưng xuất hiện trong cuốn sách ảnh Việt Nam quê hương tôi của Trần Duy Ngoãn. Ông Ngoãn đem cuốn sách này dự thi Giải thưởng Hồ Xuân Hương và đoạt giải B (trị giá 15 triệu đồng). Sở dĩ vụ khiếu kiện của các nghệ sĩ nhiếp ảnh không dừng lại vì tổ thanh tra của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nghệ An trả lời: “Nếu Sỹ Minh không kiện bản quyền thì cuốn sách ảnh của Trần Duy Ngoãn vẫn hợp lệ”.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ về những tấm ảnh dư luận cho rằng ông Minh “tặng” ông Ngoãn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Minh (thành viên ban sơ khảo, cũng đoạt giải A lần này) nói: “Ảnh giống nhau là do tôi và anh Ngoãn cùng đi chụp với nhau”. Còn ông Trần Duy Ngoãn nói: “Trong quá trình đồng nghiệp đi sáng tác với nhau có những tác phẩm giống nhau là đương nhiên”.
Những vụ lình xình khác về các bộ môn âm nhạc, thơ... khiến ban tổ chức giải phải tiếp tục họp thêm nhiều cuộc khác. Thậm chí sau khi UBND tỉnh phê duyệt kinh phí giải thưởng 1,1 tỉ đồng (tổng chi phí 1,5 tỉ đồng) rồi công bố trao giải vào ngày 27-12-2011 và phát giấy mời gửi các đại biểu, nhưng rồi cuộc trao giải phải hoãn đến 31-12-2011 vì giải thưởng đang “trục trặc”.
VŨ TOÀN
(Theo Tuổi Trẻ)