R10 Vô Địch Thiên Hạ
Join Date: Nov 2007
Location: LCN
Posts: 55,869
Thanks: 40
Thanked 564 Times in 514 Posts
Mentioned: 2 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 1 Post(s)
Rep Power: 74
|
Doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ lớn nhưng lãi... không ngờ
Câu chuyện kêu lỗ của các đơn vị kinh doanh xăng dầu vừa chính thức được Bộ Tài chính "vạch mặt" với kết quả: Lãi to, sau chuyến viếng thăm của đoàn thanh tra ở 4 đơn vị kinh doanh xăng dầu (Petrolimex, PV Oil, Sài Gòn Petro và Petimex).
Mặc dù sự thật đã được phơi bày nhưng dư luận vẫn không ngừng đặt câu hỏi: Giá xăng dầu đến bao giờ mới thực sự được điều tiết vì yếu tố dân sinh trong khi kết quả thanh tra mới chỉ dừng lại ở cấp độ..."hù dọa"? Ở góc độ nào đó, những con số công bố đợt thanh tra này còn là sự vòng vo, như thuật "ma trận", đến chuyên gia kinh tế còn phải vò đầu bứt tai, lắc đầu ngao ngán.
Kêu lỗ lớn nhưng lãi... không ngờ
Theo Bộ Tài chính, qua báo cáo kết quả kiểm tra rà soát vốn các mặt hàng nhập khẩu trong kỳ, tình hình sản xuất kinh doanh của 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tại thời điểm 30/6 và 26/8/2011 của các Tổ kiểm tra (tại Tổng công ty xăng dầu Việt Nam - Petrolimex, Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM - Saigon Petro và Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp - Petimex) cho thấy: Tại thời điểm 26/8, kết quả kinh doanh xăng dầu nội địa của các doanh nghiệp từ 1/7 - 26/8 về cơ bản không lỗ lớn hoặc có lãi.
Sự minh bạch giá xăng dầu vốn là câu chuyện dài chưa có hồi kết
Điển hình: Petrolimex báo cáo ước lãi 130 tỷ đồng; Saigon Petro báo cáo lỗ 44,6 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỷ đồng; Công ty TMDK Đồng Tháp báo cáo lỗ 55,23 tỷ đồng nhưng nếu thực hiện chi phí theo định mức kinh doanh để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỷ đồng.
Làm rõ những khoản lỗ mà doanh nghiệp đã báo cáo trong 6 tháng đầu năm, đoàn thanh tra nêu rõ: Sau khi rà soát các hợp đồng kinh doanh xăng dầu, lỗ của Petrolimex chỉ vào khoảng 1.300 tỷ đồng thay vì hơn 1.800 tỷ đồng như đơn vị báo cáo. Các khoản lỗ chủ yếu do chênh lệch tỷ giá, giá bán thấp hơn vốn để bình ổn thị trường và chi phí kinh doanh cao hơn định mức để tính giá cơ sở... Tại một số doanh nghiệp khác như PV Oil, khoản lỗ của đoàn kiểm tra công bố cũng thấp hơn doanh nghiệp báo cáo khoảng hơn 147 tỷ đồng. Tương tự, con số này ở Saigon Petro là 7 tỷ đồng. Duy nhất, có trường hợp ở Công ty Petimex, báo cáo lỗ của đoàn kiểm tra cao hơn số liệu do doanh nghiệp đưa ra là hơn 1 tỷ đồng.
Với kết quả này, đại diện Bộ Tài chính đưa ra nhận định: "Căn cứ vào giá vốn hàng nhập tính đến 26/8/2011, nếu doanh nghiệp thực hiện theo mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì hoạt động kinh doanh xăng dầu đều có lãi (trừ Công ty TMDK Đồng Tháp vì giá vốn hàng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm quá cao)..."
Được biết, câu chuyện "lỗ - lãi" của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được thổi bùng từ cuộc hội thảo về "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường" do Bộ Tài chính chủ trì ngày 20/9. Tại đây, Bộ Công Thương lên tiếng gay gắt về việc điều hành giá xăng dầu vừa qua đang có vấn đề, do Bộ Tài chính không xác định rõ mục tiêu là đảm bảo an ninh năng lượng hay bao cấp cho dân, khiến Bộ Công Thương phải "căng đầu" chịu đựng.
Tiếp đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng "hùa" theo, lên tiếng kêu lỗ vì áp lực giá thế giới và cách điều hành quá rối rắm của Bộ Tài chính. Cụ thể, theo tính toán của Petrolimex (đơn vị đang chiếm 60% thị phần xăng dầu trong nước), tính tới tháng 8/2011, đơn vị này đã lỗ 1.800 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 9 khoản lỗ của họ cũng ước khoảng 200 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ trong 9 tháng đầu năm lên 2.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã thành lập đoàn thanh tra cho kết quả trên với một sự thật: "Các doanh nghiệp không lỗ lớn, thậm chí có lãi".
Rối như "ma trận", chuyên gia kinh tế ... vò đầu bứt tai
Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh băn khoăn về việc công bố kết quả của cuộc kiểm tra. ông ánh cho rằng để có việc kiểm tra này, xuất phát từ cuộc "đại khẩu chiến" giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính ngày 20/9. Tuy nhiên là người được mệnh danh là "đọc, nhìn vấn đề là hiểu luôn" nhưng ông Ánh lần này lại tỏ ra khá cực đoan: "Chịu, tôi đọc vào đấy (kết quả kiểm tra được công bố - PV) mà chẳng hiểu gì cả. Cho đến giờ tôi vẫn căng đầu ra đọc mà không hiểu gì, công bố chuyện lỗ - lãi của một quyết định (giảm giá một đợt) để làm gì. Tóm lại chuyện kinh doanh xăng dầu là lỗ hay lãi cuối cùng càng đọc, tôi càng không hiểu. Có lẽ họ công bố ra mục đích để mình đọc mà không hiểu gì, mà cần gì cho mình hiểu đâu".
Tại buổi công bố, theo thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu 500 đồng mỗi lít vào thời điểm 26/8 là hoàn toàn hợp lý. Việc điều chỉnh giá tại thời điểm này là một trong những giải pháp kiềm chế lạm phát, tích cực góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng CPI từ tháng 8 đến nay đã giảm đi rất nhiều.
Trước đó, trao đổi với báo giới, bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã khẳng định, việc thanh tra giá xăng dầu lần này không nhằm mục đích bắt lỗi doanh nghiệp mà là sự minh bạch thông tin. Và tới đây không chỉ xăng dầu mà các khoản lỗ lãi của những mặt hàng như điện, nước... cũng sẽ được công khai cho dư luận được biết.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình ánh không ngần ngại khi cho rằng: "Thực tế, kết quả kiểm tra này cả xã hội trông đợi sau "nghi án 20/9" ("khẩu chiến" giữa hai Bộ Tài chính và Bộ Công Thương- PV) nổi đình nổi đám nhưng dù các chuyên gia kinh tế có sắc sảo đến mấy cũng không hiểu". Ông Ánh còn khôi hài: "Tôi sẽ đọc từ bây giờ đến cuối năm. Tôi được coi là tương đối thông minh, đọc gì hiểu đấy, nhưng đọc kết quả kiểm tra này bây giờ tôi không hiểu thì chắc đến cuối năm cũng không hiểu nổi. Phải hiểu được, thì tôi mới đánh giá được tác dụng của kết quả kiểm tra này với chuyện minh bạch giá xăng dầu".
Kêu lỗ nhưng vẫn đầu tư tràn lan | Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh | Biểu lộ thái độ phản ứng về những con số rối như ma trận về lỗ lãi xăng dầu, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thẳng thắn: “Giờ tôi còn đang quan tâm đến giá điện lại xin tăng. Trước đây vì giá xăng tăng nhiều giảm ít, một mình một chợ tôi đã chuyển sang đi xe đạp điện, nay giá điện lại tăng thì không biết tính sao đây. Về giá xăng, tôi đã nói rồi, bây giờ những mặt hàng như điện, nước, xăng dầu tôi không có ý kiến. Vì các mặt hàng này độc quyền".
Tuy nhiên, có một thực tế được công bố trong kết luận của đoàn thanh tra Bộ Tài chính ở 4 đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối cho thấy sự đầu tư tràn lan từ các doanh nghiệp này. Điển hình là Petrolimex, với vốn chủ sở hữu khoảng 10 nghìn tỷ đồng (sau khi xác định lại để cổ phần hóa), nhưng tính đến ngày 30/6/2011, đơn vị này đã đầu tư vào doanh nghiệp khác với tổng trị giá gần 4 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,7% vốn chủ sở hữu). Trong đó, đầu tư vào các công ty cổ phần (phần vốn TCT nắm giữ sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên) gần 1,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 14,4% vốn chủ sở hữu); Góp vốn thành lập các công ty liên doanh, đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu gần 1 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành của TCT này lại lên đến con số hơn 1,2tỷ (chiếm 12,5% vốn chủ sở hữu).
| Vương Hà - Vương Trần
|