"Quần áo của bé không giống tôi đã chuẩn bị, lại là con trai chứ không phải con gái như đã siêu âm, bằng linh cảm người mẹ tôi nghĩ bé không phải con mình nên không muốn cho bú", chị Trần Thị Hồng Cẩm - mẹ một trong hai trẻ sơ sinh bị hộ lý Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi trao nhầm, kể.
Xuất viện về nhà mẹ ruột một ngày sau khi sinh con đầu lòng ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, chị Cẩm vẫn chưa thể tin sự cố nữ hộ lý trao nhầm giữa bé gái con của mình với bé trai con của một bà mẹ trẻ người dân tộc thiểu số H're ở huyện miền núi Sơn Hà.
Chị Cẩm nhập viện vào lúc 18h30 ngày 6/12, thai 40 tuần, đến 2h30 sáng hôm sau thì trở dạ.
|
Bà Võ Thị Thuận (mẹ của chị Cẩm) ôm cháu gái ru ngủ. Ảnh: Trí Tín |
Trong khi đó, cùng phòng sinh của chị Cẩm có người phụ nữ cũng lâm bồn đang đau đớn la lớn. Do vậy sau khi làm rốn, tắm rửa cho bé, nữ hộ sinh Trương Thị Thanh Xuân ôm con chị Cẩm đưa từ phòng sinh số 2 sang nằm chung xe nôi với một trẻ khác ở phòng sinh số 3 vì sợ ảnh hưởng đến cháu bé. Nữ hộ sinh Xuân cũng đưa bông hấp cho chị Cẩm bịt tai để khỏi ảnh hưởng sức khỏe sau sinh, rồi vội vàng quay sang đỡ đẻ cho người phụ nữ kia.
"Sinh xong tôi vừa đau, vừa bịt tai nên chỉ kịp biết con cân nặng 3,2 kg chứ không nghe nữ hộ sinh báo giới tính trai hay gái. Khoảng 6h sáng thì nữ hộ sinh kia nhờ một hộ lý chuyển tôi về phòng hậu sản cùng với một bé trai", sản phụ Cẩm nhớ lại.
Nhìn vào trang phục đứa trẻ khác lạ kèm theo kết quả nhiều lần siêu âm trước khi sinh là bé gái, nên nhiều lần chị Cẩm nói với người nhà đứa trẻ đang nằm cùng không phải là con mình. Bà Võ Thị Thuận (mẹ ruột của Cẩm) mời bác sĩ từng siêu âm thai nhi cho Cẩm trước đó đến phòng tận phòng hậu sản xem nhưng vị bác sĩ này cũng lắc đầu khó hiểu, cầm phim siêu âm đi luôn.
|
Dân làng đến nhà chia vui với gia đình sản phụ Đinh Thị Hoái ở xã Sơn Nham, huyện miền núi Sơn Hà sau sự cố trao nhầm trẻ sơ sinh. Ảnh: Trí Tín |
Bà Thuận cho biết: "Lúc chuyển về phòng, con gái tôi khăng khăng bảo bé trai này không phải của mình nên không chịu cho bú sữa mẹ. Tôi và bà sui gia phải đi mua sữa ngoài cho cháu uống tạm. Các y sĩ cứ động viên gia đình rằng có thể siêu âm cho nhầm kết quả hoặc bé mặc nhầm quần áo của đứa trẻ khác". Đến sáng 8/12, khi làm thủ tục xuất viện, thấy giấy chứng sinh ghi rõ ràng cháu ngoại là gái, biết chắc bé đã bị trao nhầm rồi nên bà Thuận hoảng sợ đến ngất xỉu luôn.
Theo bà Thuận, lúc nữ nộ lý chuyển bé trai cùng với mẹ Cẩm từ phòng sinh xuống phòng hậu sản, những người thân hầu như không thấy thẻ đeo tay hay thông tin gì về mẹ viết trên người cháu bé cả.
Trong khi đó, sau khi chuyển từ phòng sinh về phòng hậu sản, sản phụ Đinh Thị Hoái cũng thấy bé gái nằm bên cạnh mình mặc trang phục sang trọng với màu hồng phấn. "Tôi ở miền núi nghèo nên từ khi mang thai đến ngày sinh chưa siêu âm lần nào, không biết bé trai hay gái. Thấy trên trán bé có dán băng gì đó, tôi lột nó đi, do không biết chữ nên không hiểu viết gì", chị Hoái thú thật.
|
Bà Đinh Thị Lạc (mẹ chồng của chị Hoái) kể lại chuyện trao nhầm cháu của mình mà ngỡ như chuyện đùa. Ảnh: Trí Tín |
Biết chính xác là con mình bị trao nhầm với con người khác, gia đình chị Cẩm đã tỏa đến các phòng ở khu vực hậu sản để tìm con cháu ruột thịt của mình. Bà Đinh Thị Lạc (mẹ chồng của chị Hoái) còn nhớ như in giây phút hãi hùng giành nhau em bé ở bệnh viện giữa bà với một phụ nữ - người thân của chị Cẩm. "Cháu bé đang nằm ngủ trên giường, bỗng dưng người phụ nữ kia vào phòng nói là nhìn quần áo, tất trên người bé rõ ràng là con cháu của họ nên muốn ôm đi. Tôi nhất định không chịu vì mọi chuyện chưa rõ ràng. Hai bên giằng co đứa trẻ, tôi la toáng lên thì các y bác sĩ chạy đến can thiệp", bà Lạc lấy làm buồn cười khi kể lại.
Để giải tỏa tâm lý cho hai bên gia đình, lãnh đạo khoa Sản đã quyết định cho xét nghiệm nhóm máu của hai trẻ sơ sinh để đối chứng với nhóm máu của cha mẹ. Qua phân tích, bé gái cho kết quả nhóm máu A (cùng nhóm máu với cha), mẹ Cẩm có kết quả nhóm máu O. Còn bé trai nhóm máu B (cùng nhóm máu với mẹ), cha có nhóm máu AB. Ngoài ra, các y, bác sĩ còn căn cứ trên kết quả siêu âm thai nhi của chị Cẩm, quần áo và anh Đinh Văn Hai (em rể của chị Hoái) đã được nữ hộ sinh thông báo sau khi chị Hoái sinh con là bé trai, khẳng định: Bé gái là con của chị Cẩm còn bé trai là con của chị Hoái.
Để ghi nhớ mãi về rủi ro, bất trắc đầu đời hy hữu của con, gia đình chị Hoái quyết định đặt tên bé trai là Đinh Văn Đổi. “Cháu mới chào đời mà đã gặp điều không may, bị người ta đổi nhầm cho mẹ khác nên gia đình thống nhất đặt tên cho cháu là Đinh Văn Đổi. Cái tên Đổi này chúng tôi gửi theo điều ước: Sau này cháu nó lớn lên mạnh khỏe, điều bất trắc luôn được đổi đi để gặp nhiều may mắn trong cuộc đời".
Sáng 10/12, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đã đến tận nhà chị Đinh Thị Hoái ở xã Sơn Nham, huyện miền núi Sơn Hà và chị Trần Thị Hồng Cẩm ở thôn 3, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, để xin lỗi, thừa nhận sai sót. "Đây là bài học xương máu cho đội ngũ y bác sĩ khoa Sản. Chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh lặp lại trường hợp trao nhầm trẻ sơ sinh nào nữa", bác sĩ Huỳnh Ngọc Thanh, Trưởng khoa Sản Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi khẳng định với gia đình hai sản phụ như vậy.