Cho rằng các CSGT đã gây tai nạn cho người đàn ông nên rất nhiều người dân đã bao vây các cảnh sát này. Một số người xưng là người nhà nạn nhân đến la ó và xúc phạm 2 CSGT.
Ngày 28/11, lãnh đạo Đội CSGT An Lạc, Công an TP HCM cho biết, đã nhận được báo cáo sự việc của thiếu úy Nguyễn Thanh Tùng và thiếu úy Đào Minh Lâm.
Trước đó vào đêm 26/11, nhiều người dân nhìn thấy trên quốc Lộ 1A đoạn gần trạm thu phí An Lạc - An Sương (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) một xe CSGT va chạm với chiếc ba gác và ngã xuống đường. Lại gần, mọi người phát hiện người đàn ông nằm bất động trên chiếc xe ba gác.
Cho rằng các CSGT đã gây tai nạn cho người đàn ông nên rất nhiều người dân đã bao vây các cảnh sát này. Một số người xưng là người nhà nạn nhân đến la ó và xúc phạm 2 CSGT. Ngay sau đó, công an quận Bình Tân đã có mặt để giữ an ninh, khám nghiệm hiện trường đến rạng sáng hôm sau đám đông mới chịu giải tán.
Công an xác định người đàn ông là Phạm Viết Hưng (51 tuổi, ngụ quận Bình Tân) đã tử vong từ trước. Hai cảnh sát giao thông là thiếu úy Tùng và Lâm. Sự việc sau đó được công an quận Bình Tân thụ lý điều tra.
Theo bản tường trình của hai viên cảnh sát này, khoảng 20h30 ngày 26/11, họ đi môtô chuyên dụng làm nhiệm vụ và dừng lại xử lý một xe máy không có đèn trên quốc lộ 1A đoạn phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân.
Trong khi đang lập biên bản thì nghe tiếng xe máy rú ga lớn, họ đang tìm kiếm thì một người đi đường chạy đến báo có một người bị tai nạn, nằm bên vệ đường cách đó vài chục mét. Hai cảnh sát không xử lý vi phạm nữa mà chạy đến hiện trường.
Đến nơi, 2 anh chỉ thấy ông Hưng nằm quằn quại bên vệ đường, cạnh đó là chiếc xe ba gác và không biết va chạm với ai. Anh Lâm liền lấy môtô chạy đến thông báo với lực lượng dân phòng hỗ trợ.
Ở lại hiện trường, anh Tùng đã chặn các xe tải, taxi đi ngang để đưa nạn nhân đi nhưng đều bị từ chối vì đang chở hàng hoặc chở khách. Do người dân hối thúc và anh Tùng cũng lo sợ tính mạng của nạn nhân nên lấy xe ba gác chở nạn nhân đến trạm xá gần đó để cấp cứu.
Vừa đến cửa, nhân viên y tế tại đây xác định hơi thở của ông Hưng yếu, phải đưa lên tuyến trên nếu không sẽ không cứu được. Nhiều người dân đến xem cũng cho rằng đợi xe cấp cứu thì mất khoảng 30 phút. Sợ không kịp, một người đàn ông đứng xem tình nguyện lái xe ba gác chở nạn nhân đi bệnh viện. Anh Tùng đi xe của người đàn ông đó, còn anh Lâm đi môtô chuyên dụng theo sau ba gác chở nạn nhân và đi sát lề phải.
Khi đưa nạn nhân ra khỏi trạm xá khoảng gần 100 m, xe ba gác bị chao đảo về bên phải và va chạm với xe môtô cảnh sát làm anh Lâm ngã xuống đường. Nhận thấy khó có thể đưa nạn nhân đi cấp cứu bằng xe này, anh Tùng đi xe gắn máy quay ngược lại trạm xá để cầu cứu rồi chở bác sĩ ra kiểm tra nạn nhân thì phát hiện ông Hưng đã tử vong.
Lúc này điện thoại trong túi ông Hưng đổ chuông, CSGT đã nghe máy và thông báo với người nhà nạn nhân về vụ việc. Thấy có người chết, người đàn ông tình nguyện lái ba gác vì sợ liên lụy nên lấy xe máy của mình bỏ đi.
Người nhà nạn nhân đến nơi thì nhiều người dân hiếu kỳ cũng kéo đến. Thấy ông Hưng nằm chết trên xe ba gác, xe môtô CSGT lại đổ bên đường nên phản ứng. Họ cho rằng 2 CSGT đã gây tai nạn chết người.
“Theo một người dân tại đó thì một số thanh niên có biểu hiện say xỉn đã kích động khiến nhiều người dân khác chưa hiểu rõ vụ việc đã vội có những lời lẽ thóa mạ lực lượng CSGT”, lãnh đạo Đội CSGT An Lạc cho hay.
Công an quận Bình Tân đang tìm những nhân chứng để điều tra làm rõ sự việc. Dự kiến sáng 29/11, hai thiếu úy CSGT này sẽ làm việc với cơ quan điều tra.
Theo Vnexpress