Sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ tại biển Địa Trung Hải, thái độ bất bình của Liên đoàn Arab, nỗ lực vận động lập vùng cấm bay của Pháp là những dấu hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế có thể can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Syria.
Làn sóng nổi dậy chống Tổng thống Assad bắt đầu từ 8 tháng trước. Từ đó tới nay khoảng 3.500 người đã chết trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng vũ trang của chính phủ, theo ước tính của LHQ.
Hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Syria tuần hành trên đường phố tại thủ đô Damascus vào ngày 20/11. Ảnh:
AP.
Vào giai đoạn đầu của cuộc nổi dậy tại Syria, các nước phương Tây đang dồn sự chú ý vào Libya. Vì thế họ hầu như không thể hiện thái độ mạnh mẽ đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi ông này trấn áp biểu tình bằng bạo lực. Tới tháng 8, Liên Hợp Quốc lên án Syria đàn áp biểu tình. Sau đó hàng loạt quốc gia vùng Vịnh như Ảrập Xêút, Kuwait và Bahrain lên án Syria, đồng thời rút đại sứ về nước.
Sau khi cuộc chiến tại Libya chấm dứt, sự quan tâm của phương Tây đối với Syria có xu hướng tăng. Thổ Nhĩ Kỳ, nước có quan hệ khá gần gũi với Syria, cũng bày tỏ thái độ phê phán ông Assad. Mới đây Liên đoàn Arab quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria cho tới khi Damascus ngừng trấn áp biểu tình. Ngày 24/11, Liên đoàn Arab kêu gọi Liên Hợp Quốc giúp họ giải quyết tình hình tại Syria sau khi Damascus không chấp thuận kế hoạch đưa quan sát viên quốc tế vào Syria.
Giới truyền thông Arab đưa tin hàng không mẫu hạm hạt nhân USS George HW Bush của Mỹ đã neo đậu gần Syria. Nó cùng nhiều tàu chiến khác của hải quân Mỹ được điều tới biển Địa Trung Hải nhằm thực hiện các hoạt động bảo vệ an ninh hàng hải. Hạm đội số 6 của Mỹ cũng đang tuần tra trên biển Địa Trung Hải, hãng thông tấn
Interfax đưa tin.
Với những diễn biến mới nhất, giới quan sát cho rằng sự can thiệp từ bên ngoài vào Syria không còn được coi là điều không tưởng. Cứ mỗi ngày trôi qua chính quyền Syria lại càng lún sâu vào thế cô lập. Pháp kêu gọi cộng đồng quốc tế lập vùng cấm bay trên không phận Syria để bảo vệ dân thường và hỗ trợ hoạt động viện trợ nhân đạo. Paris đang vận động Mỹ, Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab ủng hộ đề xuất của họ. Liên minh châu Âu (EU) cũng coi bảo vệ dân thường tại Syria là ưu tiên hàng đầu, dù bác bỏ đề xuất lập các hành lang an toàn tại Syria của Paris.
Thực ra những đồn đoán về khả năng áp đặt vùng cấm bay tại Syria xuất hiện sau khi Liên Hợp Quốc ra nghị quyết lên án tình trạng ngược đãi nhân quyền của chính quyền Syria vào ngày 22/11.
Al Bawaba, một trang web tin tức tại Jordan, khẳng định việc Liên đoàn Arab áp đặt vùng cấm bay trên không phận Syria với sự hỗ trợ về vận tải của Mỹ cũng đang được thảo luận.
Nga, nước phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của nước ngoài vào tình hình Syria, cũng đưa các tàu chiến tới cảng Tartus của Syria trước khi hàng không mẫu hạm của Mỹ tới biển Địa Trung Hải. Nhiều nguồn tin chưa được kiểm chứng cho rằng các tàu chiến Nga đưa nhiều cố vấn kỹ thuật tới Syria để giúp quân đội Syria lắp đặt và vận hành các tên lửa S-300 của Nga. Tuy nhiên, giới truyền thông chưa phát hiện bằng chứng nào cho thấy tên lửa S-300 đã được vận chuyển tới Syria.
Moscow liên tục nhấn mạnh rằng họ phản đối sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria. Aleksandr Lukashevich, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố rằng các vấn đề nhân quyền không phải là cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.
Patrick Henningsen, nhà phân tích chính trị của tạp chí
Infowars tại Mỹ, tin rằng bất đồng giữa các nước lớn xung quanh cuộc khủng hoảng tại Syria có thể dẫn tới nhiều rạn nứt trên chính trường thế giới.
Henningsen nói thêm rằng nếu các cường quốc phương Tây cố gắng lập vùng cấm bay tại Syria, tình hình sẽ diễn biến hoàn toàn khác so với Libya. Trong khi lực lượng trung thành với chế độ cũ tại Libya tỏ ra yếu thế rõ rệt so với lực lượng quân sự quốc tế thì Syria lại có khả năng chống trả phương Tây với sự hậu thuẫn của một số nước khác.
“Nhiều người thuộc phe đối lập tại Syria không muốn phương Tây can thiệp vào đất nước họ, ngay cả khi sự can thiệp được thực hiện bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nước thân thiện với thế giới Hồi giáo”, Pierre Guerlain, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Paris West tại Pháp, nhận định.
Tiến sĩ Marcus Papadopoulos, một nhà phân tích của tạp chí
Politics First tại Anh, nói với kênh truyền hình Russia Today rằng dư luận thế giới không nên ảo tưởng rằng hòa bình sẽ tới Trung Đông nếu chế độ của ông Assad tại Syria sụp đổ.
“Nếu nhìn vào những đối tượng mà chính phủ Syria đang trấn áp, chúng ta sẽ thấy họ bao gồm cả những băng đảng tội phạm, những phần tử vũ trang có tư tưởng tôn giáo cực đoan. Vì thế tôi nghĩ lật đổ Assad là biện pháp liều lĩnh, cẩu thả và thiển cận”, Papadopoulos giải thích.
Việt Linh
Theo vnexpress