"21 xe buýt sạch hoạt động chưa được bao lâu thì nhà cung cấp khí CNG đã rục rịch tăng giá. Vì một mình một sân nên họ chỉ 'nhức đầu sổ mũi' là công ty vận tải đã lo rồi", đại diện công ty xe buýt sạch cho biết.
Tại cuộc họp với HĐND TP HCM ngày 3/11, ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, phát triển xe buýt là một trong những vấn đề mấu chốt để giảm ùn tắc giao thông tại thành phố. Mới đây, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở GTVT cần cố gắng để đưa vào sử dụng thêm nhiều xe buýt sạch. Cụ thể trong thời gian tới phải đưa được 200-300 chiếc vào hoạt động.
21 xe buýt "sạch" chạy bằng khí CNG vừa được đưa vào sử dụng trên địa bàn TP HCM từ ngày 26/8. Ảnh:
H.C.
Nhìn nhận 21 xe buýt sạch đưa vào hoạt động trong thời gian qua đã được nhiều người dân ủng hộ nhưng ông Nguyễn Hồ Minh, Phó tổng giám đốc công ty TNHH Một thành viên Xe khách Sài Gòn (Saigonbus) cho biết doanh nghiệp của ông đang "run".
Trước khi đưa xe buýt "sạch" vào hoạt động, Saigonbus và công ty Cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South, thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam) đã có thỏa thuận về việc cung cấp khí khí CNG với giá bằng 60% giá dầu D.O. Tuy nhiên, đây chỉ là thỏa thuận cấp công ty với nhau nên tính ràng buộc pháp lý không cao. Bằng chứng là vừa qua, sau khi 21 xe buýt sạch vào vận hành thì nhà cung cấp đã có ý định tăng giá khí CNG.
Ông Minh cho rằng hiện nay chỉ PV Gas South xây dựng 2 trạm cung cấp khí CNG nên rất dễ đến tình trạng "độc quyền" cung cấp nhiên liệu khiến doanh nghiệp vận tải rơi vào thế bị động. "Bị phụ thuộc quá nhiều nên chỉ cần nhà cung cấp 'nhức đầu sổ mũi' là công ty vận tải đã phải lo rồi", ông Minh lo lắng.
Vì thế, ông Minh kiến nghị Sở GTVT đứng ra thỏa thuận với Tập đoàn dầu khí Việt Nam để thỏa thuận này có tính pháp lý cao hơn, giúp doanh nghiệp vận tải không phải "vừa chạy vừa run" như hiện nay.
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu đặt ra là để tăng số lượng xe buýt sạch, tiến tới thay thế dần các xe buýt như hiện nay cần một số tiền khá lớn. Giá thành 100.000 USD/chiếc không phải là nhỏ để có thể nhân rộng.
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP HCM nêu, nếu muốn có nhiều xe buýt sạch hơn cần phải đẩy mạnh xã hội hóa để tận dụng thêm nguồn vốn của tư nhân. Để làm được điều đó thì doanh nghiệp vận tải chỉ cần trợ giá mua khí CNG như mua xăng dầu, nhưng đề nghị này bị Sở Tài chính bác bỏ.
Hiện PV Gas South là đơn vị duy nhất cung cấp khí CNG cho các xe buýt "sạch" hoạt động. Ảnh:
H.C.
"Nếu thành phố có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho doanh nghiệp, tôi tin chắc sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư và sẽ có rất nhiều xe buýt sạch tại TP HCM", ông Hải nói.
Về vấn đề này, đại diện Sở Tài chính cho rằng, để Sở có cơ sở trong việc thẩm định đề án của các doanh nghiệp đề xuất đầu tư, Sở GTVT cần có phương án chi tiết trình bày những lợi ích về vấn đề bảo vệ môi trường, chi phí nhiên liệu dựa trên tiêu chí hành khách đi trên mỗi chuyến xe buýt CNG so với xe buýt chạy bằng dầu diesel. Sau đó các sở ngành cần họp bàn đánh giá lại, tính toán số tiền làm lợi của xe buýt CNG rồi phân chia hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư mua xe, cũng như cung cấp khí CNG.
Đại biểu Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại TP HCM (ITPC) cho rằng, Sở GTVT cần đẩy nhanh đề án quảng cáo trên xe buýt, một nguồn thu khá lớn để bù vào số tiền mà thành phố phải trợ giá cho xe buýt hàng năm.
"Các nước khác đều cho phép quảng cáo trên xe buýt, một việc làm mà cả doanh nghiệp và nhà nước đều được lợi thì chúng ta cần phải làm ngay, chậm một ngày là lãng phí hàng trăm triệu đồng", ông Thiện khẳng định.
Cũng tại buổi giám sát, nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng phục vụ của hệ thống xe buýt trên địa bàn như: thái độ của nhân viên, tài xế xe buýt đối với hành khách, tình trạng bỏ tuyến, không bắt khách, nhiều tuyến xe buýt chồng chéo, trùng lắp trên cùng một tuyến đường... cũng được các đại biểu quan tâm.
"Chúng tôi cho Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thời gian từ nay đến tháng 5, trong kỳ họp HĐND sắp tới đây phải có bảng khảo sát những lý do vì sao người dân không thích đi xe buýt", ông Phạm Văn Đông Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM đề nghị.
Ngày 26/8, Sở Giao thông Vận tải cùng Công ty Saigonbus đã đưa vào sử dụng 21 xe buýt "sạch" chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG trên tuyến Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn. Tuyến đầu tiên của thành phố mang mã số 1. Toàn bộ xe được nhập mới từ Hàn Quốc với giá 100.000 USD/chiếc.
Xe buýt "sạch" có hệ thống đèn báo lộ trình chạy trước xe để người dân dễ nhận biết hơn, ngay cả vào ban đêm. Sau hơn 2 tháng đưa vào hoạt động, xe buýt này đã nhận được nhiều cảm tình của người dân TP HCM.
Hữu Công - VNE