HÀ NỘI 28-10 (TH) - Ðoàn đàm phán của Việt Nam hôm Thứ Sáu bác bỏ đề nghị của Hoa Kỳ muốn thiết lập một số qui định đối với các công ty quốc doanh của Việt Nam mà Washington cho rằng được lợi nhờ sự đỡ đầu của nhà nước qua nhiều hình thức, kể cả trợ giá.
Kho chứa dầu Nhà Bè, thuộc Petro Viet nam, một trong những tổng công ty quốc doanh lớn nhất của Việt Nam. Tại cuộc đàm phán Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), phía Mỹ đề nghị Việt Nam giảm hổ trợ các công ty quốc doanh để mậu dịch được bình đẳng, nhưng phía Việt Nam đã từ chối (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Hoa Kỳ nêu đề nghị trên trong phiên họp tuần này giữa hai nước cho đề án thành lập Ðối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) hay gọi tắt là TPP gồm 9 nước, từ đó trở thành khu vực mậu dịch tự do trải rộng phần lớn hai bên bờ Thái Bình Dương.
“Chúng tôi không nghĩ điều khoản đặc biệt đó cần thiết cho các công ty quốc doanh”. Trần Quốc Khánh, một người của đoàn thương thuyết của Việt Nam phát biểu với báo chí.
Mặc dù có sự bất đồng ý kiến, Tổng Thống Obama và các lãnh tụ của 8 nước thương thuyết hiệp định TPP dự trù sẽ gặp nhau ở Hawaii vào tháng tới để loan báo họ có ý định kết thúc đàm phán và đưa ra cái sườn rộng rãi của thỏa thuận sau cùng. Dù sao, có thể phải cần cả năm nữa mới có thể kết luận cuối cùng.
Tổng Thống Obama sẽ đại diện nước chủ trì cuộc họp thượng đỉnh của 21 nước hội viên diễn đàn kinh tế APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation Forum). Tất cả các thành viên tham dự đàm phán TPP đều là thành viên của APEC.
Hoa Thịnh Ðốn rất muốn luật lệ kềm chế chặt chẽ đối với các công ty quốc doanh ở trong tổ chức TPP vì ông muốn lấy đó làm bàn đạp để thương thuyết với Trung Quốc trong tương lai, một nước có tới 20,000 công ty quốc doanh rất lớn mạnh.
Một cuộc khảo cứu cho Ủy Ban Nghiên Cứu Kinh Tế và An Ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc do công ty tư vấn Capital Trade Inc., nói rằng dưới nhiều hình thức khác nhau, hệ thống công ty quốc doanh chiếm tới 50% của nền kinh tế Trung Quốc. Ðiều này hiển nhiên có tác động mạnh đối với chính sách kinh tế và thương mại của nhà cầm quyền trung ương Bắc Kinh.
Malaysia, một nước cũng đang đàm phán gia nhập nhóm TPP, cũng có nhiều công ty quốc doanh, không bác bỏ ngay như Việt Nam mà đề nghị nghiên cứu thêm trước khi trả lời dứt khoát.
Chuyên viên đàm phán của Mỹ, Barbara Weisel, đề nghị ra điều kiện chặt chẽ hơn với các công ty quốc doanh đã được đưa ra sau khi chính phủ Hoa Kỳ tham khảo với các tổ chức nghiệp đoàn lao động cũng như các doanh nghiệp. Họ đều cho rằng các công ty quốc doanh được hưởng những đặc lợi dẫn đến cạnh tranh không công bằng.
Lần đầu tiên, trong cuộc họp tuần này, Hoa Kỳ cũng nêu đề nghị bảo vệ các quyền của giới công nhân, một điểm cũng khá tế nhị đối với một số nước trong đó có Việt Nam.
Ðại biểu 9 nước tham dự đàm phán TPP gồm Chile, Peru, Úc, Hoa Kỳ, Brunei, Malaysia, Việt Nam, New Zeland, và Singapore. Họ nói rằng đã đạt được một số tiến bộ ở vòng đàm phán tổ chức ở Lima, thủ đô Peru nhưng nhiều điểm chính yếu vẫn còn không thỏa thuận được, đặc biệt là về tác quyền trí tuệ và xúc tiến thị trường.
theo nv