Bà Bùi Thị Minh Hằng, người tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, vừa bị bắt hôm Chủ nhật 16/10 sau khi có va chạm với công an.
Hiện bà Bùi Thị Minh Hằng vẫn đang bị giữ
Được biết bà bị bắt vào lúc 10:25 sáng, khi đang có mặt tại một cuộc giao lưu gặp gỡ mà những người tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hồi mùa hè tổ chức ở gần Hồ Gươm.
Tổng cộng có 11 cuộc biểu tình được tổ chức ở Hà Nội trong các tháng Sáu, Bảy và Tám, có cuộc số người tham gia lên tới hàng trăm.
Bà Bùi Thị Minh Hằng là một người tham gia biểu tình tích cực và đã bị bắt công an bắt hai lần, nhưng đều được thả.
Một người thân cận với bà Hằng, đề nghị giấu tên, người cũng có mặt tại cuộc gặp cho BBC hay rằng bà đã có giằng co với một số thanh niên, được cho là công an mặc thường phục, khi những người này giật chiếc nón bà đang cầm theo người.
Trên chiếc nón lá này có dòng chữ 'Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam'.
"Chị Hằng lúc đó có hét to để phản đối, có thể do vậy mà họ bắt."
Bà Hằng cũng đeo một dải băng đỏ có dòng khẩu hiệu 'Giặc đến nhà bà già cũng đánh'. Dải khẩu hiệu này đã được bà mang tới hầu hết các cuộc biểu tình trước đây.
Xe của công an sau đó chở bà Bùi Thị Minh Hằng về đồn công an Quận Hoàn Kiếm.
Tuy nhiên, nguồn tin trên cho hay: "Hiện không biết chị Hằng đang ở đâu vì chúng tôi có tới Công an Quận để hỏi thăm nhưng được trả lời là họ không rõ vì có nhiều lực lượng tham gia vụ hôm Chủ nhật, không rõ lực lượng nào bắt".
"Họ nói ngày mai cử đại diện tới sẽ có câu trả lời."
Lúc bị bắt, bà Bùi Thị Minh Hằng đang gặp mặt khoảng 15-20 người từng tham gia biểu tình khác.
Họ hẹn nhau vào lúc 9 giờ sáng ở khu vực đền Bà Kiệu, đối diện tượng đài Cảm tử ngay bên cạnh hồ Hoàn Kiếm.
Vẫn nguồn tin trên nói một số người trong đó mặc áo phông in dòng chữ No-U phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Biển Đông.
'Đi dạo quanh hồ Gươm'
Ngoại trừ một vài cuộc biểu tình đầu tiên, những cuộc sau đã bị chính quyền Hà Nội tìm cách ngăn chặn, nhất là sau khi có yêu cầu 'hướng dẫn dư luận' từ chính giới Trung Quốc.
Dư luận mạng bức xúc trước hình lá cờ Trung Quốc năm sao
Nhiều người tham gia biểu tình đã bị bắt giữ, nhưng sau đều được thả.
Từ cuối tháng Tám tới nay, đã không có biểu tình, nhưng những người tham gia quen mặt nhau thỉnh thoảng tụ họp gặp mặt vào Chủ nhật và "đi dạo quanh hồ Gươm".
Có thể các cuộc gặp mặt đông người với áo, mũ, khẩu hiệu chống Trung Quốc, cho dù không phải biểu tình, cũng gây nghi ngờ và quan ngại cho lực lượng an ninh.
Cũng sáng Chủ nhật 16/10, một nhóm học viên Pháp Luân Công dự định tiếp tục thiền tập thể trước tòa Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Hồ Chí Minh nhưng đã nhanh chóng bị giải tán.
10 ngày trước đó, chừng 30 học viên Pháp Luân Công đã tọa thiền tại chính địa điểm này hơn một tiếng đồng hồ với hai đòi hỏi mà họ nói là "Trung Quốc phải chấm dứt việc đàn áp Pháp Luân Công ở trong nước họ; và chính phủ Việt Nam cần trả tự do cho hai người bị bắt vì phát thanh thông tin về Pháp Luân Công."
Kể từ sau sự kiện này, nhiều người theo Pháp Luân Công cáo buộc chính quyền đã sách nhiễu, thẩm vấn họ và giải tán một số buổi tập công ngoài công viên.
Việt Nam vẫn nói không có Pháp Luân Công ở trong nước, mà chỉ có người tập khí công vì sức khỏe.
BBC nhận được nhiều thư tố cáo chính quyền trong nước gây phiền hà cho các học viên Pháp Luân Công "dưới áp lực của Trung Quốc".
Trong bối cảnh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến công du sang nước láng giềng phía Bắc, các tin tức liên quan tới Trung Quốc luôn thu hút chú ý của người dân trong nước.
Các diễn đàn mạng đang xôn xao việc kênh Truyền hình Trung ương VTV1 trong Bấm bản tin thời sự chính vào lúc 19 giờ hôm thứ Sáu 14/10 trên phông nền đã đăng hình hai lá cờ của Việt Nam và Trung Quốc, trong đó cờ Trung Quốc nổi bật một ngôi sao lớn và năm ngôi sao nhỏ.
Cờ Trung Quốc chính thức chỉ có một sao lớn, tượng trưng cho Đại lục, và bốn sao nhỏ, tượng trưng cho các khu tự trị Tân Cương, Nội Mông, Mãn Châu và Tây Tạng.
Việc có thêm một ngôi sao khiến dư luận mạng vô cùng bất bình, vì họ cho rằng nó ám chỉ nguyện vọng đưa Việt Nam vào hàng tự trị như trên.
Tuy không đính chính hay xin lỗi, hiện VTV đã rút bản tin video 14/10 khỏi mạng internet, nhưng nhiều bản copy vẫn còn được lưu truyền.
theo bbc