Đây là sứ quán nước ngoài ở gần bộ Ngoại giao nhất, cũng ở gần Phủ chủ tịch nước, gần trụ sở Trung ương đảng CS, trên đường Hoàng Diệu, ngay giữa quận Ba Đình là quận trung tâm của Hà Nội.
Sứ quán Trung Quốc chiếm một vị trí đặc biệt giữa thủ đô Hà Nội.
Tòa nhà cổ, bề thế, được sửa chữa mở rộng nhiều đợt, nhìn ra vườn hoa mang tên Điện Biên Phủ, nơi có tượng Lenin từ những năm 1950.
Phía sau là đường Khúc Hạo có nhiều biệt thự, bể bơi, sân quần vợt dành riêng cho các quan chức sứ quán Trung Quốc và gia đình họ.
Hơn tháng nay, sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội đổi chủ. Đại sứ Tôn Quốc Tường lên đường về nước. Đại sứ mới Khổng Huyễn Hựu sang thay. Lễ trình quốc thư diễn ra ngày 25-8-2011, ông Khổng là đại sứ Trung Quốc thứ 16, kể từ 62 năm nay.
Khổng Huyễn Hựu, ông là ai?
Có một điều hơi lạ, là các đại sứ Trung Cộng ở Hà Nội trước đây thường là người từng quen biết rõ Việt Nam trước khi nhậm chức, trưởng thành từ nhân viên phiên dịch, hay bí thư, tham tán của đại sứ quán, có người từng qua trường đại học Văn, Sử, ở Hà Nội. Họ am hiểu khá sâu tiếng Việt, hiểu cả đến tiếng lóng, thổ âm Trung Nam Bắc, cả những từ ngữ dân gian.
Vậy mà đại sứ mới Khổng Huyễn Hựu khác hẳn. Ông Khổng chỉ mới làm việc ở nước ngoài tại Nhật Bản, với chức vụ tùy viên lãnh sự tại Tổng lãnh sự quán ở Thành phố Đại Bàn, từ năm 1985 đến năm 1989. Sau đó ông về lại Bắc Kinh, làm bí thư thứ ba tại Vụ Á châu, Bộ Ngoại giao, từ năm 1989 đến 1995.
Từ năm 1995 đến 1999, ông lại sang Nhật Bản, làm cán bộ nghiên cứu tại
Sứ quán Trung Quốc ở Tokyo.
Từ năm 2000 ông trở về Bắc Kinh để tu nghiệp tại trường đại học Ngoại giao. Năm 2002 ông được bổ nhiệm làm tham tán Viện Nghiên cứu chính sách của Bộ Ngoại giao. Năm 2003 ông là phó Vụ trưởng vụ Á châu, Bộ Ngoại giao. Từ cuối tháng 8-2011 ông là đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam.
Về xuất xứ, khác hẳn với các người tiền nhiệm, thường quê quán từ các tỉnh phía Nam hay miền Trung Trung Quốc, ông Khổng Huyễn Hựu quê ở tỉnh Hắc Long Giang, ở cực Bắc Trung Quốc, giáp giới với Triều tiên, và ông cũng thuộc dân tộc thiểu số Triều Tiên (Cao Ly).
Ông sinh tháng 7 năm 1959, năm nay 52 tuổi.
Tóm lại, đại sứ mới của Trung Quốc chưa hề quen biết với Việt Nam, với Đông Nam Á, là người từ rất xa tới, cũng là người chưa trực tiếp hiểu biết gì về nước ngoài trừ Nhật Bản, chưa tu nghiệp hay làm việc tại các nước phát triển và Liên Hiêp Quốc. Đây là điều khó hiểu.
Cứ theo tin tức được phổ biến trên mạng internet của sứ quán Trung Quốc, tuy mới nhậm chức có hơn 1 tháng, đã có vài chục quan chức cấp cao phía Việt Nam đã gặp và chào đón ông đại sứ mới rất nồng nhiệt.
Không kể những buổi ông Khổng đến trình quốc thư Chủ tịch nước, chào Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, có hàng loạt quan chức cao cấp đã đến sứ quán Trung Quốc trên đường Hoàng Diệu để chào tân Đại sứ.
Đó là:
- Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng (ngày 17-8-2011);
- Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng (ngày 23);
- Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, rồi Thứ trưởng Bộ Công an Trung tướng Đặng Văn Hiếu (ngày 29-8-2011);
- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, rồi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (ngày 31-8-2011);
- Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (12-9-2011);
- Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luân (16-9-2011);
- Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, rồi Bộ trưởng Thông tin - Tuyên truyền Nguyễn Bắc Sơn (21-9-2011);
- Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (27-9-2011);
- Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, rồi Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa (29-9-2011);
- Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, rồi Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ (3-10-2011);
- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh (4-10-2011).
Sứ quán Trung Quốc cho biết tân Đại sứ Trung Hoa chỉ trong thời gian ngắn đã có dịp hội kiến với quá nửa số ủy viên Bộ Chính trị của phía Việt Nam, chưa kể một loạt ủy viên Trung ương đảng, bộ trưởng, thứ trưởng và các loại cán bộ cấp cao khác.
Sứ quán Trung Quốc quên không nói rõ là sứ quán và đại sứ mới được canh gác, bảo vệ và hộ tống rất nghiêm mật, công an, cảnh sát, mật vụ rất mẫn cán không cho công dân Việt Nam đến gần sứ quán, nhất là vào các Chủ nhật, như Hà Nội đã long trọng cam kết với Bắc Kinh.
Quả có vậy nên viên giáo sư Long Đạo mới dám viết trên mạng Hoàn Cầu những lời ngạo mạn đến láo xược, gọi người Việt là những con muỗi.
Theo ý đó, một đàn muỗi cao cấp nhất vừa sang Bắc Kinh rước về 6 bản Hiệp định - 6 xiềng xích buộc chặt nước ta với thiên triều bành trướng.
* Blog báo Bùi Tín (VOA)