Nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới đang lao vào làn sóng “đổ đống” trái phiếu Chính phủ Mỹ mạnh nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tín dụng xảy ra năm 2007.
Theo thông báo mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ do các ngân hàng Trung ương và các nhà đầu tư tổ chức bên ngoài nước Mỹ đang nắm giữ, bị sụt giảm tới 76,5 tỷ USD trong 7 tuần qua. Đây là mức bán ra mạnh nhất kể từ tháng 8/2007.
Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân gây ra làn sóng này không phải do mức thâm hụt ngân sách 1.300 tỷ USD và khoản nợ công ngày càng tăng cao của Mỹ, mà vì các ngân hàng Trung ương muốn vực dậy sức mạnh của đồng nội tệ.
“Nhiều khả năng đà tăng của đồng USD trong tháng 9 vừa qua tạo lực đẩy chính khiến các ngân hàng trung ương, nhất là ở thị trường mới nổi bán trái phiếu kho bạc khi các ngân hàng này sử dụng dự trữ ngoại hối để mua vào đồng nội tệ”, ông Marc Chandler, Trưởng nhóm chiến lược tiền tệ toàn cầu của Brown Brothers Harriman tại New York nhận định.
Trong khi đó, Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch của Mỹ cũng cho hay, kể từ đầu tháng này, trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm 1,2%, mức giảm mạnh nhất trong năm 2011, theo đó, trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 30 năm đồng loạt giảm.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ đang bị bán tháo.
Trong bối cảnh các nhà kinh tế dự báo lạm phát sẽ suy yếu từ mức ước tính 3,1% trong năm nay xuống 2,1% trong năm 2012 và Cục dự trữ liên bang Mỹ cam kết giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục cho tới giữa năm 2013, các nhà đầu tư cho rằng, nhu cầu mua vào trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục được duy trì.
Tuy nhiên, giới đầu tư cũng không khỏi băn khoăn trước những nhận định trước đó của giới phân tích rằng, trái phiếu Chính phủ Mỹ không còn là một địa chỉ đầu tư an toàn bởi lãi suất thực của nó, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, đang ở mức âm. Không chỉ lãi suất danh nghĩa của trái phiếu Chính phủ Mỹ thấp hơn tỷ lệ lạm phát, mà trái phiếu bảo đảm chống lạm phát kỳ hạn 10 năm cũng đang được mua bán với mức lãi suất dưới 0. Đây là điều rất không bình thường và bị bóp méo về mặt kinh tế.
Ngoài ra, trái phiếu Chính phủ Mỹ thường được cho là "phi rủi ro", nhưng sau khi bị S&P hạ xếp hạng, chúng chỉ được coi là "rủi ro thấp". Nếu Mỹ tiếp tục bất lực trong việc đưa ra các biện pháp hiệu quả để cắt giảm chi tiêu, nợ sẽ tăng lên vượt tầm kiểm soát và không thể chi trả. Do đó, có thể là phi rủi ro đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm, chứ kỳ hạn 30 năm thì không.
Bích Diệp (theo Bloomberg, Business Week)