Harrisburg, thành phố với 50.000 dân cư và là thủ phủ bang Pennsylvania (Mỹ), đã đệ đơn xin phá sản với khoản nợ lên đến 310 triệu USD, theo AP ngày 14-10.
Một khu phố ở Harrisburg - Ảnh: Reuters
Harrisburg bắt đầu gặp rắc rối khi chính quyền thành phố quyết định đi vay tiền để xây dựng một nhà máy đốt rác. Dự án phá sản để lại vô số nợ nần và kể từ năm 2010, thành phố phải rất chật vật để duy trì các dịch vụ công.
Hiện các chuyên gia ước tính Harrisburg cần khoảng 310 triệu USD để giải quyết khó khăn tài chính hiện tại, trong đó cần gấp 83 triệu USD để trả các khoản nợ đến hạn và các khoản nợ mới trong năm 2011.
Hội đồng thành phố đã thông qua quyết định với tỉ lệ sít sao 4-3 để đệ đơn xin phá sản. Quyết định ngay lập tức đã khiến nhiều người hoang mang về khả năng thành phố có thể duy trì các dịch vụ công.
“Chúng tôi nhận được nhiều cú điện thoại từ các nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu cho biết họ có được trả tiền hay không”, một quan chức thành phố nói với BBC.
Tuy nhiên, cả thị trưởng Linda Thompson và các thượng nghị sĩ bang Pennsylvania đã phản đối dữ dội quyết định đệ đơn phá sản và gọi đây là hành động bất hợp pháp.
"Thay vì lãng phí thời gian cũng như tốn kém chi phí thuê luật sư vào một vụ án không đúng luật, các thành viên hội đồng thành phố lẽ ra nên phối hợp cùng thị trưởng và người dân giải quyết khủng hoảng", thượng nghị sĩ Jeffrey Piccola của bang Pennsylvania nói.
AP dẫn lời thống đốc bang Pennsylvania Tom Corbett cho biết hạ viện bang đã thông qua đề xuất thực hiện chương trình cứu nguy khẩn cấp đối với các thành phố gặp khủng hoảng. Theo đó, chính quyền bang sẽ tiếp quản thành phố và thi hành một loạt chính sách khắc khổ như đàm phán lại hợp đồng lao động, sa thải bớt viên chức và bán tài sản.
Ngược lại, hội đồng thành phố cho rằng tuyên bố phá sản là giải pháp duy nhất và một chương trình khắc khổ sẽ chỉ có lợi cho các chủ nợ, trong khi “đẩy thành phố vào cảnh suy tàn trong hàng thập kỷ tới”.
Hội đồng thành phố cho biết: "Harrisburg đang có tỉ lệ nghèo đói cao bất thường. Thêm vào đó cuộc khủng hoảng kinh tế càng khiến tình hình thêm tồi tệ".
Các chuyên gia nhận định việc tuyên bố phá sản có thể làm tình hình tồi tệ thêm. Tại Vallejo (bang California), thành phố 120.000 dân đã tuyên bố phá sản vào năm 2008, chính quyền đã phải cắt giảm nhân sự ở những dịch vụ công quan trọng như cảnh sát và cứu hỏa trong khi tình hình kinh tế vẫn không cải thiện.
XUÂN TÙNG
TTO