R9 Tuyệt Đỉnh Tôn Sư
Join Date: Dec 2008
Posts: 44,699
Thanks: 262
Thanked 591 Times in 456 Posts
Mentioned: 0 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 1 Post(s)
Rep Power: 60
|
“Shop bụi” Sài Gòn
Nhiều người ở Mỹ tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết có những người nghèo trong nước có thể sống với thu nhập hàng tháng xấp xỉ chỉ 2 triệu đồng (khoảng 100 Dollars). Trên thực tế có những người sống với thu nhập còn ít hơn thế, nhưng họ vẫn sống được với đầy ắp sự san sẻ tình cảm yêu thương cho nhau. Chúng tôi trích đăng bài phóng sự dưới đây giúp độc giả phần nào thấy được tình người trong những mảng tối sau ánh đèn màu sa hoa của Sài Gòn hoa lệ.
*
Những cửa hàng quần áo... di động nhìn vô đã thấy nghèo nghèo, tủi tủi ấy vẫn tồn tại ven những con đường xa nhất, xấu nhất và nắng gió nhất tại SG.
Những tấm áo, manh quần bụi bặm và rẻ đến không ngờ kia đã đắp ấm cho mùa đông, che chắn cho mùa hè của rất nhiều con người cả đời chưa một lần dám bước chân vào cửa hiệu may đo hay cửa hàng thời trang, dù họ đang sống tại một TP nhộn nhịp nhất cả nước.
Tình người bên vỉa hè
“Ông làm gì mà run dữ vậy? Thay cái áo ướt ra, lấy đại cái áo “si” của tui mặc đi. Cảm bây giờ cho coi. Tui có cho không áo của tui đâu mà ông sợ, cho mượn mà” - bà Út Trung (bà tên là Trần Thị Tuyết nhưng chồng tên Trung nên chòm xóm gọi là Út Trung) miệng móm mém, chỉ còn độc hai cái răng ở hàm dưới hối thúc người đàn ông đang run lên vì lạnh. Dường như mắc cỡ, ông lắc đầu. Bà chép miệng: “Già rồi, trúng mưa là đứt bóng đó. Bóng đèn đứt còn thay được chứ ông mà... đứt bóng là xong luôn. Người đâu mà nói hoài không nghe”. Bà càu nhàu riết, cuối cùng ông già cũng chịu lấy cái áo mặc.
Hỏi người đàn ông đó tên gì, bà Út Trung chỉ cười tủm tỉm: “Ổng chạy xe ôm kế bên nhà tui, hổng biết tên, thấy cao cao thì kêu bằng “ông cao”. Ổng kêu tui lại bằng “bà cao”. Trời mưa là ổng dầm mình ướt hoài”. “Nhà” của bà có bốn cây cột là bốn gốc cây. Nóc làm bằng vài thanh tre cũ kỹ. Mái nhà là một tấm bạt nilông dài, mặt sau máng vào gốc cây phượng, mặt trước máng vào hai cái cọc xiêu vẹo dưới vỉa hè. Ngôi “nhà” chẳng khác gì túp lều ấy đã tồn tại hơn sáu năm nay trên đường Lê Văn Khương, P.Hiệp Thành, Q.12 để ba mẹ con bà vừa ở vừa bán quần áo cũ, vừa cho những người khách qua đường trú mưa, trú nắng.
Chồng bà bị bệnh tâm thần, cứ thấy mặt ba mẹ con bà là đánh đập, chửi bới rồi đuổi ra đường. Quẫn trí, bà vừa khóc vừa ngồi bệt xuống đống rác giữa đường đòi thắt cổ tự tử. Có bà hàng xóm đi ngang thương tình cho bà hai đôi dép lào, một bịch quần áo cũ, kêu bà đem về sửa lại bán lấy tiền mua gạo. Thế là từ đó bà hành nghề bán đồ cũ. Quần áo của bà giá bình dân từ 10.000-30.000 đồng/cái tùy chất liệu, cũ mới. Bà cười: “Thấy ai “tay chân cằn cỗi” là tui bán một, khuyến mãi một. Ai chê quần áo rộng, dài thì tui bóp lại, lên lai, thay khuy cài mới mà không tính tiền”.
Bà bảo: “Thỉnh thoảng tui gom quần áo vào một bịch, thấy ai mới từ quê lên xin làm công nhân, phụ hồ tui kêu họ lại lựa lấy mấy cái mặc đỡ. Nhà giàu coi đồ “si” hổng bằng giẻ chùi chân nhưng với người nghèo thì quý lắm. Có nhỏ bán vé số dầm mưa ướt nhẹp, bà ăn xin, ông già xi cà que mặc đồ rách tui đều cho hết mang về, mặc được cái nào thì mặc”.
Đời bụi
Trời đang hửng nắng bỗng kéo mây đen. Trời Sài Gòn mấy bữa nay thiệt kỳ, đang mùa nắng mà động chút lại sa mưa dông. Đã vậy còn kèm gió giật. Mấy bữa gió hung, ngồi trong cái lán di động dựng gần xa lộ Hà Nội mà chị Nguyễn Thị Hà tưởng như mình và mớ quần áo cũ của mình sắp bị thổi tung theo từng đám bụi mù đang cuộn thốc về phía dốc cầu Rạch Chiếc. Lột nón, tháo khẩu trang luôn đeo sùm sụp suốt cả ngày, chị Hà và chồng, anh Trần Văn Bảo, cuống quýt dọn hàng chạy trốn cơn mưa.
Nhìn mớ bạt bị gió thổi rách tơi tả, mớ quần áo nhàu cũ quến bụi và cặp vợ chồng lem luốc bên cạnh dòng xe tuôn chảy ào ào trên xa lộ, ít ai tin cái “shop bụi” này có thể có khách hàng. Vậy mà shop lại đông người vào mua. Theo “triết lý” rút ra từ 18 năm lang thang bán đồ vỉa hè của anh Bảo, sở dĩ hàng anh đông khách vì anh biết chọn đúng địa điểm và đánh trúng “phân khúc khách hàng”. Khách hàng phần lớn là cánh tài xế xe ôm, lái xe đường dài, phụ hồ... Khách này chủ yếu chuộng quần áo bền, màu tối, giá cả phải chăng.
Giọng anh rỉ rả: “Đứng chỗ bụi bặm vậy mà bán được. Người nghèo ghé vô với mình, họ thấy thoải mái, tự tin. Tự tin vì trong túi có đủ tiền để mua hàng, tự tin vì người bán cũng... không sạch sẽ, không thơm tho y như mình, tự tin vì bàn tay thô ráp, móng tay cáu bẩn của mình có lỡ mân mê cái bâu áo cũng không đến nỗi ngượng ngùng vì bâu áo cũng đâu có trắng quá”.
Bám vỉa hè kiếm sống gần 20 năm, “thành tựu” to lớn nhất của vợ chồng anh là nuôi con trai đang học lớp 11 Trường THPT Phước Long, Q.9. Anh Bảo khoe: “Sáng vợ chồng tui có thể nhịn đói đi bán nhưng thằng nhỏ phải có đĩa cơm ăn rồi đi học. Tui mới sắm được cho nó bộ máy vi tính, năm sau nó thi vô ngành công nghệ thông tin”.
Mưa bắt đầu rớt hạt. Một chị đẩy xe bán hồng giòn và anh bán băng đĩa dạo lỡ đường ghé vào lán anh Bảo trú mưa. Tiếng nhạc rền rĩ phát ra từ thùng xe lẫn trong tiếng mưa nghe buồn buồn: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi...”. Tôi liếc nhanh qua anh Bảo. Trên gương mặt anh không có một chút buồn bã hay tâm trạng nào. Chắc anh còn đang nghĩ tới chuyện thằng con. Mai mốt đây nó ngồi trong phòng gõ máy vi tính, có cực mấy cũng sướng hơn đứng ngoài đường hít bụi như ba mẹ nó.
Gương soi bằng mắt
Trời vừa tạnh mưa, chúng tôi dừng xe trước tấm biển: “Áo gió Hàn Quốc đại hạ giá 10.000 đồng/cái” trên xa lộ Hà Nội, gần Metro An Khánh, Q.2. Một xe máy khác cũng tấp vào. Trên xe là hai vợ chồng co ro vì lạnh. Ban đầu, hai người lục tìm áo trong bao tải hàng mới khui. Chọn được cho chồng tấm áo vừa ý, chị vợ chợt khựng lại khi nghe anh bán hàng báo giá 80.000 đồng/áo vì là hàng “nước nhất”.
Sẽ sàng bỏ cái áo đang cầm trên tay, chị len lén bước qua tấm bạt bên cạnh, nơi xả hàng “nước cuối” - nghĩa là hàng nằm lộ đã lâu, còn sót lại mà không ai thèm lựa. Áo ở đó mới có giá 10.000 đồng/cái... Hỏi thăm thì biết họ cùng là công nhân bên Khu công nghiệp Bình Chiểu.
Từ ngày rời quê vào SG tới nay, chưa lần nào hai vợ chồng dám bỏ tiền mua quần áo mới. “Shop bụi” không có gương soi. Mắt người này là gương cho người kia. Khách cứ mặc tình lấy đồ tròng đại lên người rồi năn nỉ người khác nhận xét giùm. Hai vợ chồng mỗi người chọn cho mình cái áo lạnh hàng dạt giá 10.000 đồng, người này khen người kia mặc đẹp rồi lên xe chở nhau về. Cơn gió chiều hình như bớt lạnh...
Theo MAI LÂM - HOÀNG HOA
Tuổi Trẻ
|