"Gia đình khá giả nhưng mỗi người mỗi nơi, em đi bán dâm lấy tiền chơi đập đá, thuốc lắc để quên đi nỗi buồn. Ra trại, em cũng không biết có quay lại trường học nữa không hay tiếp tục trượt dài bởi những cuộc chơi".
Cho đến tận bây giờ tôi cũng không thể tin nổi những câu nói ấy được phát ra từ miệng của một nữ trại viên tên Nguyễn Thị Thanh (SN 1996 ở Giao Thủy, Nam Định) trong trại giáo dục xã hội số 02 Ba Vì (Hà Nội)…
Chỉ vì gia đình tan vỡ
Thanh có dáng người khá chuẩn, nước da trắng hồng, khuôn mặt bầu bĩnh xinh xắn, em được mệnh danh là một trong những hoa khôi của Trung tâm 02. Nhìn em ít người nghĩ rằng khi vào trại em chỉ đang học lớp 8. Thanh sinh ra trong gia đình giàu có, bố mẹ đều là những thương gia nổi tiếng của đất Nam Định, tiền của dư thừa, nhưng tình cảm lại luôn thiếu.
Đầu tiên chỉ là những lần võ mồm, sau thì chuyển sang thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau, cuối cùng hai người làm đơn ra tòa khi Thanh mới chưa đầy 10 tuổi. Chia tay nhau, bố mẹ Thanh mỗi người tự tìm cho mình một hạnh phúc riêng, chỉ khổ cho Thanh và anh trai mỗi người tự quyết định lối đi cho mình. Anh trai Thanh theo bố vào Nam, Thanh thì ở với ông bà ngoại. "Đến nhà bà ngoại được vài hôm do không hợp nên em về nhà ở một mình, cứ đến tháng thì bố mẹ em gửi tiền về", Thanh ngậm ngùi nhớ lại.
Nguyễn Thị Thanh
Trong căn nhà rộng rãi, nhưng thiếu hơi ấm gia đình, khi đến lớp luôn bị bạn bè trêu chọc nên Thanh cứ lùi lũi một mình. Hàng ngày, cứ đi học về em lại đóng chặt cửa, nghĩ vẩn vơ. Một mình nên chuyện ăn uống của em rất thất thường, hôm nào đi học về em cũng chỉ biết ngồi thu mình trên lan can để nhìn xuống đường và sang nhà hàng xóm. Em chỉ mong mình được sống trong vòng tay của bố mẹ như bao đứa trẻ khác mà thôi. Tiền hàng tháng bố mẹ em vẫn gửi về cho em đều đặn, nhưng thực chất chẳng mấy khi em dùng đến đồng tiền ấy cả.
Lúc còn nhỏ Thanh sống vất vả bao nhiêu thì khi lớn em lại càng cảm thấy mình tủi thân bấy nhiêu. Thanh luôn khao khát hơi ấm của cha mẹ, được sẻ chia những lúc vui buồn, được sống một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác. Cuộc sống của em như mất hẳn phương hướng, em không biết mình sống vì cái gì, vì sao mình lại sống và vì sao bố mẹ em lại có thể đối xử với nhau như thế.
Để đến khi sa ngã, em không biết vì sao mình lại có thể làm những chuyện như vậy, và sau khi ra khỏi Trung tâm em sẽ làm gì. Trở về với lớp học hay quay lại với những đứa bạn đua đòi. Ngay cả khi ngồi trò chuyện với chúng tôi, Thanh không bao giờ nhìn vào mắt người đối diện, không bao giờ cúi xuống mà ánh mắt ấy cứ trợn ngược lên trời, răng thì cắn vào môi đến bật máu.
Tôi biết trong em đang ẩn chứa nhiều tâm sự, ánh mắt ấy nếu mọi người nhìn vào thì bảo dữ tợn, bất cần, nhưng thực chất Thanh đang muốn kìm nén những giọt nước mắt mặn chát của mình.Thấy Thanh im lặng, chúng tôi không ai dám hỏi thêm bởi sợ chạm vào nỗi đau thầm kín trong em, nhưng Thanh đã chủ động nói về những bước trượt dài của mình.
Sa ngã vì giải sầu không đúng cách
"Nghỉ hè vừa qua, khi em vừa học hết lớp 8, ở quê thấy chán nản nên em quyết định lên nhà cô trên Hà Nội chơi cho khuây khỏa. Lên chơi được 2 hôm thì em xin phép về quê. Tuy nhiên, lúc ấy em không về nhà mà đi thẳng vào tiệm Internet. Cùng trong quán ấy, em đã gặp 3 người khác (2 trai 1 gái) cũng đang chán gia đình và đi bụi.
Gặp họ, em như tìm được chỗ tâm giao, bao nhiêu tâm sự như được giải tỏa hết. Họ đều sàn sàn tuổi em, đứa ở Hưng Yên, đứa Hà Nội, đứa thì Vĩnh Phúc, nhưng đứa nào cũng có những câu chuyện riêng. Ngay lần đầu gặp nhau, chúng em đã dính với nhau rồi lập thành một hội không gia đình, vẫn ánh mắt nhìn vô định - Thanh kể.
Sau khi thành lập được nhóm, cả lũ đã rủ nhau đi tìm các khách sạn để nghỉ. Tuy ở tỉnh lẻ nhưng hầu hết đứa nào cũng có tiền ăn chơi. Chán trò chát chít, tung hoành giang hồ trên thế giới ảo, nhóm của Thanh tìm đến thuốc lắc, đập đá để quên đi thực tại.
Ảnh minh họa
Đưa tay lên gạt nước mắt, Thanh kể: "Khi chơi đập đá, chúng em như quên hết mọi thứ xung quanh để sống theo đúng cảm xúc của mình. Đứa vui thì cười sung sướng, đứa buồn thì khóc lóc, đứa thì lúc khóc lúc cười. Sống đúng với cảm xúc của mình nên em chẳng thiết về quê nữa. Tuy nhiên, chơi đập đá rất tốn, hơn 2 triệu/gam, mỗi gam chỉ chơi vài tiếng là hết. Nên số tiền chúng em mang theo chẳng mấy mà hết. Hết xin tiền nhà, chúng em quyết định làm "kinh tế".
Theo Thanh thì làm kinh tế đó là đi làm cave. Cứ tối đến, Thanh lại cùng một đứa bạn trong nhóm ra đường Bác Cổ để vẫy khách. Với nhan sắc trời phú, Thanh được rất nhiều người đi. Lần đầu tiên đi khách em được 4,5 triệu đồng. Những lần sau không bao giờ dưới 1 triệu, lần đi khách cao nhất em được gần 10 triệu. Cứ khi nào đủ tiền khách sạn và cho cả nhóm chơi thuốc lắc, đập đá thì em nghỉ - Thanh cắn chặt môi nói.
"Nhà em có điều kiện sao không xin bố mẹ tiền mà đi bán dâm như thế?" - chúng tôi hỏi. "Em thích xin bao nhiêu tiền bố mẹ em cũng cho, nhưng em không muốn. Tiền đâu phải là tất cả, nếu bố mẹ em không bỏ rơi em thì em cũng không bao giờ sa ngã như vậy" - Thanh bưng mặt khóc nức nở.
Và rồi cái gì đến cũng phải đến, Thanh và các bạn bị công an bắt khi cả nhóm đang dùng đập đá, quay cuồng trong điệu nhạc. Khi bị bắt, những đứa khác được gia đình bảo lãnh cho về nhà vì chưa đến tuổi thành niên. Nếu em báo gia đình thì em cũng không phải ngồi đây, nhưng quyết định không báo cho bố mẹ em biết. Có lẽ giờ họ cũng không biết đứa con gái ngoan ngoãn, học giỏi của họ đang phải đi phục hồi nhân phẩm như thế này, Thanh nói, mắt lại nhìn ngược lên, cố kìm nén cảm xúc.
"Em có nhớ lớp không? Sau này khi ra trường em sẽ về quê học tiếp hay vào Nam sống với bố mẹ?" - chúng tôi hỏi. Bỗng Thanh quay sang nhìn chúng tôi hồi lâu, rồi em lại quay đi nhìn vào không trung, miệng lí nhí: "Nếu bố mẹ đến đón thì em về, không thì em sẽ lại đi theo con đường cũ thôi".
Câu nói của em cứ văng vẳng bên tai khiến chúng tôi ai nấy đều bị ám ảnh. Không biết đến bao giờ cánh cửa hạnh phúc mới mở ra cho em.
Theo Người đưa tin