Xin trả lời ngay rằng điều đó hoàn toàn có thể khả thi, bởi với tiềm lực tài chính vô cùng lớn của mình bầu Kiên hoàn toàn có thể cùng những ông bầu khác của bóng đá Việt Nam tổ chức một giải đấu riêng theo đúng tiêu chí của mình.
Có nghĩa rằng, ở giải đấu đó không có vấn nạn trọng tài, không có cách điều hành yếu kém. Và quan trọng hơn, các đội bóng sẽ thi đấu vì màu cờ sắc áo, vì người hâm mộ nhiều hơn.
Hãy thử tưởng tượng rằng, với một giải đấu mà chất lượng của nó đúng như môn giải trí thuần tuý, có nghĩa cầu thủ ra sân phải chơi hết mình, cống hiến cho người xem sẽ thế nào? Chắc chắn là hấp dẫn.
Cũng như thế, nếu Super League ra đời, và hầu bao của các ông chủ luôn rủng rỉnh như thế với lực lượng cầm còi yếu kém như hiện tại sẽ không có chỗ để thể hiện ở sân chơi đó, mà thay vào đó là những vua sân cỏ quốc tế, chẳng vướng mắc với bất cứ điều gì các trận đấu sẽ ra sao? Đương nhiên, sạch là cái chắc.
Và cũng với hầu bao rủng rỉnh, với tiêu chí "chất lượng là trên hết" từ phía các ông bầu, có thể người hâm mộ sẽ có cơ hội xem các ngôi sao ở đẳng cấp châu lục, thậm chí là Thế giới đến đá ở Việt Nam chứ không đơn thuần cuối tuần tới sân xem vài pha bóng đẳng cấp của những ngoại binh đã quá quen thuộc như hiện tại.
|
Bầu Kiên đã nói trước mắt sẽ không có giải đấu ly khai, bởi ông và những người khác vẫn muốn tham gia phát triển bóng đá nước nhà
|
Đương nhiên, nếu giải đấu hấp dẫn từ tính cạnh tranh, cho tới cống hiến và có nhiều ngôi sao đương nhiên người hâm mộ sẽ phải bỏ tiền vào sân, thay vì đến xem bóng đá miễn phí như bây giờ, lúc đó hẳn Super League sẽ ăn đứt V-League.
Rất khả thi, dù cũng sẽ phải mất một khoảng thời gian không nhỏ để hoàn thiện quy chế, hoàn thiện công tác tổ chức. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng lắm, bởi điều mà các ông bầu, người hâm mộ cần chính là một thứ bóng đá sạch, cuối tuần đến sân để giải trí chứ không phải ra sân để "chửi trọng tài, cầu thủ..." như hiện tại.
Và thực tế, trên thế giới đã có rất nhiều Quốc gia có tới 2, hoặc nhiều hơn những giải đấu như thế. Mà ở nước láng giềng Indonesia là một ví dụ điển hình.
Vào đầu năm 2011 vừa qua, giải The Indonesian Premier League (LPI) đã chính thức được thành lập với 18 đội bóng tham dự sau khi ông trùm dầu mỏ Arifin Panigoro khởi xướng nhằm cạnh tranh với giải chính thống được FIFA công nhận, Indonesia Super League (ISL).
Và đương nhiên, thành lập giải đấu riêng đó LPI cũng có lý do của mình khi cho rằng "Mục tiêu của LPI là nhằm cải thiện bóng đá Indonesia, bởi nền bóng đá này đang có vấn đề lớn trong điều hành, kế hoạch phát triển..."
Đã có rất nhiều đội bóng đang chơi tại giải ISL ly khai và gia nhập giải đấu LPI, bất chấp LĐBĐ Indonesia ra thông báo sẽ không gọi bất cứ cầu thủ nào tham gia thi đấu tại giải đấu ly khai đó.
Nhưng giải đấu vẫn ra đời, thậm chí được đánh giá hấp dẫn hơn rất nhiều so với giải chính thống khi các đội bóng cống hiến, bớt gian lận hơn.
Về cơ bản, chính ông Nguyễn Đức Kiên đã nói trước mắt sẽ không có giải đấu ly khai, bởi ông và những người khác vẫn muốn tham gia phát triển bóng đá nước nhà.
Nhưng, nếu mọi chuyện không thay đổi, e là sẽ có...đổi thay. Một Super League hoàn toàn có thể được ra đời, bởi đó là nhu cầu thực tế, cũng như sự đồng thuận của đại đa số các đội bóng đang chơi ở V-League, các ông bầu lẫn người hâm mộ.
Thậm chí, đó mới là xã hội hoá thể thao chứ không chỉ đơn thuần bo bo luỵ vào một tổ chức mà chính cựu chủ tịch của tổ chức này đã nói "thấp hơn mặt bằng chung của xã hội" được.
M.A, VIETNAMNET.VN