Vấn đề cuối cùng trong văn hóa giao tiếp của người Việt là vấn đề lịch sự.
Xã hội nào cũng có những nguyên tắc lịch sự nhất định. Các nguyên tắc ấy chi phối không những hành vi mà còn toàn bộ các loại hình ngôn ngữ, từ ngôn ngữ bằng lời (verbal language) đến ngôn ngữ không lời (nonverbal language), bao gồm cả bàng-ngôn ngữ (paralanguage) và ngoại-ngôn ngữ (extralanguage), trong đó có ngôn ngữ thân thể.
Theo Penelope Brown và Stephen Levinson, ý niệm về lịch sự bao giờ cũng gắn liền với ý niệm về thể diện vốn có tính phổ quát trong nhân loại (1). Nhưng ý niệm về thể diện thì bao giờ cũng gắn liền với những niềm tin và những bảng giá trị nhất định; các niềm tin và bảng giá trị này thay đổi theo từng nền văn hóa, và trong mỗi nền văn hóa, thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, do đó, nhiều khi cái được xem là lịch sự ở văn hóa này lại trở thành bất lịch sự ở nơi khác; hoặc lịch sự ở lúc này nhưng lại trở thành bất lịch sử ở thời điểm lịch sử khác.
Bởi vậy, hơn đâu hết, để có thể tiếp xúc liên văn hóa, người ta cần phải tìm hiểu, ngay từ đầu, các nguyên tắc lịch sự của cái ngôn ngữ mà mình đang học. Đó là lý do chính tại sao từ khoảng vài thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 đến nay, đặc biệt sau khi cuốn Politeness của Brown và Levinson được xuất bản (1978), giới nghiên cứu tập trung thật nhiều công sức vào việc khai thác ý niệm lịch sự từ các nền văn hóa khác nhau.
Nhưng lịch sự là gì?
Về phương diện từ nguyên, nguồn gốc của chữ "polite" trong tiếng Anh hiện nay có thể là từ chữ "poli" (thành thị) hoặc "politizmos" (văn minh) trong tiếng Hy Lạp cổ hoặc từ chữ "politus" (chải chuốt) trong tiếng Latin. Thật ra, tất cả những từ gốc ấy đều có một số điểm giống nhau, và tất cả đều được phản ánh trong nội hàm khái niệm politeness hiện đang được sử dụng: đó là những sự giao tiếp có phong thái đẹp và có giáo dục, là dấu chỉ của người có văn minh và văn hóa. Trong tiếng Việt, chữ "lịch sự" đã xuất hiện từ lâu (trong Từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 đã có), tuy nhiên, tôi ngờ, thoạt đầu, nó chỉ có nghĩa là từng trải, có nhiều kinh nghiệm sống, biết cách giao thiệp. Vậy thôi. Để chỉ khái niệm lịch sự như chúng ta hiểu hiện nay, người xưa dùng chữ lễ phép. Chữ "lễ" trong lễ phép mang ba nội dung chính: một, đó là những khuôn phép và là những quy phạm có tính bắt buộc; hai, mang nặng ảnh hưởng của Nho giáo; và ba, như là hệ quả của nội dung thứ hai vừa nêu, thường chỉ có một chiều: từ dưới lên. Nói cách khác, trong sự tương tác giữa người bề trên và người bề dưới (về mọi phương diện: tuổi tác và đẳng cấp trong gia đình cũng như trong xã hội), chỉ có người bề dưới mới cần lễ phép, người bề trên thì được miễn. Sau này, chữ "lễ phép" thường chỉ được dùng trong quan hệ gia đình và học đường; chữ "lịch sự" dần dần chiếm ưu thế khi chỉ các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, trong cách nhìn của người Việt Nam, lịch sự vẫn chủ yếu là cách hành xử của người dưới đối với người trên hơn là ngược lại.
Trong phạm vi ngôn ngữ, nguyên tắc lịch sự của người Việt Nam thường được thể hiện ở mấy khía cạnh chính:
Một, cách xưng hô: phải đúng chức vụ, vai vế và tuổi tác.
Hai, sử dụng các từ thưa gửi ở đầu câu: Dạ/vâng/thưa/xin (ngày xưa còn có "bẩm" và "trình").
Ba, sử dụng ngữ khí từ ở cuối câu: “ạ” (So sánh hai kiểu nói: "Chào bác" và "Chào bác ạ".)
Bốn, lặp lại đại từ nhân xưng ở cuối câu (Ví dụ: "Bác khỏe không, bác?")
Chú ý: cả bốn biện pháp ngôn ngữ trên chỉ được áp dụng với người dưới. Với người bề trên hay cấp trên, tất cả các biện pháp ấy đều không cần thiết. Nói cách khác, trong tiếng Việt, lịch sự, với người dưới, là lễ phép, phải là lễ phép; với người trên, chỉ cần thân thiện.
***
Chú thích:
1. Penelope Brown và Stephen Levison (1978), Politess: Some Universals in Language Use, Port Melbourne: Cambridge University Press.
* Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)