Hôm qua, sau hơn ba tháng bế tắc về vấn đề bạo động ngày càng leo thang tại Syria, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố lên án chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình.
Li-băng, nước láng giềng và đồng minh thân cận của Syria, không ngăn chặn tuyên bố nhưng không can dự vào chuyện soạn bản văn. Theo quy định, một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải có sự ủng hộ của tất cả 15 thành viên, nhưng không có hiệu lực bắt buộc thi hành giống như một nghị quyết.
Xe tăng của lực lượng Syria trên các đường phố ở thành phố Hama hôm qua.
Theo báo chí phương Tây, Liên hợp quốc ra tuyên bố trên vào thời điểm xe tăng và binh sĩ Syria tiến vào thành phố Hama, tiếp tục cuộc tấn công vào những người biểu tình.
Tin tức dẫn lời các nhân chứng nói rằng các tiếng nổ lớn làm rung chuyển thành phố khi xe tăng tiến vào quảng trường trung tâm, vốn là điểm tụ tập của những người biểu tình đòi ông Assad từ chức.
Những người này khẳng định từ cuối tuần qua tới nay, đã có hơn 130 người bị giết trên khắp Syria. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra tại Hama.
Trong khi đó, dư luận đa phần cho rằng một lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể đưa ra nhằm chống lại Syria không nên lặp lại kịch bản Libya. Hơn nữa, biện pháp trừng phạt chống chính phủ Bashar Assad sẽ không giúp giải quyết tình hình ở đất nước này.
Bình luận về tình hình ở Damascus, các nhà phân tích chính trị Nga cho rằng phương Tây không từ bỏ nỗ lực để ép Hội đồng Bảo an đưa ra nghị quyết về Syria, tương tự như văn kiện mang số 1973.
Đặc phái viên của Tổng thống Nga về các vấn đề châu Phi đã cảnh báo về các nguy cơ mà một nghị quyết về Syria tương tự như về Libya trước đây sẽ gây ra. Theo ông Mikhail Margelov, cấm vận không phận toàn quốc sẽ dẫn đến chiến tranh quy mô lớn.
“Phe đối lập Syria là lực lượng không phải hoàn toàn thế tục, mặc dù hoạt động dưới ngọn cờ của chế độ dân chủ. Tình hình càng phức tạp thêm bởi cuộc đối đầu mới đây giữa những người Alavi (các vị lãnh đạo hiện tại của đất nước thuộc số này) và người Sunni (gồm đại đa số dân cư). Trong tình hình như vậy, sự can thiệp quân sự của phương Tây ủng hộ phe đối lập sẽ giáng một đòn mạnh vào lực lượng dân chủ trong nước”, ông Margelov phân tích.
Hiện tại, NATO tuyên bố rằng chưa có đủ các điều kiện để can thiệp quân sự vào Syria. Theo Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, tại Libya, liên minh dựa vào ủy nhiệm của Liên hợp quốc và sự hỗ trợ của các nước khác trong khu vực. Ở Syria, không có những điều kiện như vậy.
Việt Hà
Theo AP, Voice of Russia