Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa công bố Sách lược Quân sự Quốc gia, trong đó Hoa Kỳ có chủ trương tăng cường hợp tác quân sự và tập trận chung với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tàu sân bay Mỹ USS George Washington dẫn đầu một đoàn tuần dương hạm tên lửa trong cuộc tập trận quân sự ở Thái Bình Dương ngày 10 tháng 12 2010.
Lý do nào dẫn tới việc Hoa Kỳ có chủ trương này và phải mất bao lâu để Việt Nam có thể tham gia diễn tập trong các cuộc thao diễn quân sự chung?
Quỳnh Chi phỏng vấn ông Abraham M. Denmark, người nghiên cứu về Châu Á Thái bình Dương tại Trung tâm An Ninh Hoa Kỳ- Center for a New America Security. Tại trung tâm này, ông Abraham chỉ đạo các chương trình an ninh cho vùng Châu Á Thái bình Dương cùng một số dự án về sách lược quốc phòng Hoa Kỳ.
Cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc
Quỳnh Chi: Xin chào ông Abraham. Thưa ông, trong chiến lược Quân sự mới của mình, Hoa kỳ khẳng định muốn tăng cường các cuộc diễn tập quân sự với các nước Đông Nam Á. Lý do của việc này là gì thưa ông? Có phải vì sự phát triển kinh tế các nước ở khu vực này không?
Abraham M. Denmark: Tôi nghĩ là Hoa Kỳ bắt đầu nhận ra rằng khu vực Châu Á Thái bình Dương ngày càng đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định của thế giới và cho lợi ích của Hoa Kỳ. Thứ nhất, vì sự phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á, vì dân số đông đảo và vì vị trí địa lý của khu vực. Thứ hai, vì sự gia tăng về sức mạnh quân sự và chính trị của Trung Quốc trong khu vực mà Hoa Kỳ muốn đảm bảo sự hiện diện của mình ở khu vực này.
Đây là một thông điệp gởi đến cho các nước đồng minh trong khu vực và đồng thời cũng là thông điệp cho Trung Quốc rằng Hoa Kỳ hoan nghênh sự hoà đồng của Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á nhưng cùng lúc, Hoa Kỳ muốn đảm bảo rằng các nước này không lệ thuộc vào sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tàu chiến của Trung Quốc bắn hỏa tiễn trong cuộc tập trận tại vùng biển đảo Sơn Đông. AFP
Quỳnh Chi: Nếu nói như vậy, Hoa Kỳ có chính sách gia tăng diễn tập quân sự với các nước này một phần vì muốn cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Vậy liệu Hoa Kỳ có mâu thuẫn khi vừa gia tăng hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á vừa phát triển quan hệ với Bắc kinh?
Abraham M. Denmark: Tôi không nghĩ là nó sẽ phức tạp cho lắm. Khi Hoa Kỳ tham gia những hoạt động diễn tập quân sự với các nước Đông Nam Á thì có thể tập trung vào nhiều khả năng và hoạt động khác nhau chẳng hạn như họat động giải cứu nạn nhân bị thiên tai hay tai nạn do người gây ra.
Chính sách của Hoa Kỳ là theo đuổi một mối quan hệ rất tốt và hiệu quả với Trung Quốc đồng thời duy trì một khả năng quân sự cần thiết trong khu vực. Hai hành động này đúng là sẽ dẫn đến một mối quan hệ phức tạp nhưng không mâu thuẫn.
Quỳnh Chi: Vậy thì lợi ích của các bên khi tham gia diễn tập quân sự chung là gì?
Abraham M. Denmark: Tôi nghĩ là các bên sẽ có nhiều lợi ích. Lợi ích đầu tiên là các bên sẽ xây dựng một mối quan hệ quân sự với nhau. Và, các quốc gia tham gia diễn tập quân sự sẽ học được cách tổ chức quân sự của các nước khác, nâng cao khả năng phối hợp với các quốc gia khác.
Đối với Hoa Kỳ, đây là hoạt động nhằm gởi thông điệp đến các đồng minh và các đối tác trong khu vực Đông Nam Á rằng Hoa Kỳ là một lực lượng tích cực để giúp nâng cao sự ổn định và thịnh vượng.
Một cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông. AFP
Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam
Quỳnh Chi: Tôi có đọc bài viết gần đây của ông và một đồng nghiệp nhan đề “Làm sao để hợp tác đúng đối với các nước Đông Nam Á?”. Trong đó, ông đã nhắc đến Việt Nam như một nền kinh tế mới nổi. Về kinh tế thì như thế. Vậy ông đánh giá tiềm năng hợp tác quân sự của Hoa Kỳ và Việt Nam ra sao?
Abraham M. Denmark: Dĩ nhiên là tiềm năng hợp tác quân sự 2 nước là rất lớn. Và tôi nghĩ hai nước còn một chặng đường dài ở phía trước để tiến tới mối quan hệ hợp tác quân sự song phương nhưng việc đó phải mất nhiều thời gian.
Hai nước đã có nhiều tiến triển trong thời gian qua và tôi hy vọng là tiến triển này sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm là sự tiến triển này sẽ không làm mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trở thành mối quan hệ mà Hoa Kỳ có với Nhật Bản hay Nam Hàn. Mối quan hệ này sẽ có thể là mối quan hệ đối tác không chính thức trong khi hai nước thảo luận về những thỏa ước cho vấn đề tiếp cận giữa hai lực lượng quân sự.
Siêu hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington ghé thăm Việt Nam ngày 8 tháng 8, 2010. Source Navy.mil
Quỳnh Chi: Việc Việt Nam tham dự cuộc tập trận Kim Xà Vương chỉ với cương vị quan sát viên có làm Hoa Kỳ thất vọng không?
Abraham M. Denmark: Tôi nghĩ là phía Hoa Kỳ cũng lấy làm khuyến khích khi Việt Nam tham dự cuộc diễn tập Kim Xà Vương, mặc dù chỉ ở vị trí quan sát. Đây là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng hợp tác song phương và đa phương nhằm nâng cao mối quan hệ quân sự cũng như sự hợp tác nói chung của Hoa Kỳ đối với các nước khu vực.
Quỳnh Chi: Trước khi kết thúc câu chuyện, xin hỏi ông, trước đây, phải mất một thời gian rất dài để Malysia có thể chính thức tham gia diễn tập quân sự chung với Hoa Kỳ. Ông nghĩ rằng phải mất bao lâu thì Việt Nam tham dự các cuộc diễn tập quân sự chung với tư cách nước tham gia diễn tập chứ không phải là quan sát? Và Việt Nam nên bắt đầu với mức độ nào là phù hợp?
Abraham M. Denmark: Tôi nghĩ là hai bên đều muốn tham gia những cuộc diễn tập quân sự chung và cũng muốn có những hợp tác về quân sự cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên, những điều này không thể xảy ra ngay tức khắc được mà cần thời gian và kiên nhẫn. Và cả hai nước đều nhận thấy điều đó. Chính vì thế, hai nước đã cam kết có một chương trình hợp tác lâu dài để có thể tạo ra sự hợp tác quân sự sâu rộng như mong muốn.
Quỳnh Chi: Dạ vâng, xin cám ơn ông về những ý kiến trên.
Quỳnh Chi,
phóng viên RFA