R8 Võ Lâm Chí Tôn
Join Date: Jun 2009
Location: US
Posts: 17,796
Thanks: 0
Thanked 0 Times in 0 Posts
Mentioned: 0 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 0 Post(s)
Rep Power: 33
|
Năm Mão nói chuyện “mèo trắng, mèo đen…”
Giống như Việt Nam, Âm lịch Trung Quốc cũng tính theo 12 con giáp. Riêng năm Mão, tuy vẫn gọi là Tân Mão, Ất Mão, Đinh Mão, Kỷ Mão, Quý Mão, nhưng người Trung Quốc lại lấy biểu tượng là con Thỏ.
Năm 2011 là năm Tân Mão và năm Mão, người ta thường hay nói chuyện con mèo. Người Trung Quốc có “Thuyết con mèo” khá nổi tiếng, có xuất xứ từ tỉnh Tứ Xuyên. Tỉnh Tứ Xuyên là một trong những “vựa lúa của Trung Quốc”, nhưng lại lắm chuột sinh sôi nảy nở, phá hoại hoa màu và lương thực. Vì vậy, người dân Tứ Xuyên nuôi rất nhiều mèo, với đủ các loại với màu sắc khác nhau. Trong dân gian, người ta thường đồn đại rằng mèo trắng, mèo vàng bắt chuột tốt hơn mèo đen. Tuy nhiên, đã là mèo thì đều bắt chuột. Vì vậy, họ có câu cửa miệng “Mèo trắng mèo đen, mèo nào cũng được miễn bắt được chuột”. Đặng Tiểu Bình sinh ra và lớn lên ở Tứ Xuyên, vì vậy ông rất tâm đắc với câu nói dân gian mộc mạc này.
Do nôn nóng vượt Mỹ và chủ quan duy ý chí, năm 1958, Trung Quốc phát động phong trào “Đại nhảy vọt” (mà sau này người đời thường gọi là “Đại nhảy hụt”), với chủ trương “nhà nhà làm gang thép, người người làm gang thép” và phát động chiến dịch diệt chim sẻ trên phạm vi toàn quốc. Gang thép làm thủ công kém chất lượng bị bỏ xó, gây lãng phí vô cùng to lớn về sức người, sức của. Còn chiến dịch diệt chim sẻ thì lại khiến cho dịch châu chấu thả sức hoành hành phá hoại mùa màng góp phần dẫn đến nạn đói chưa từng có trong lịch sử Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Đến năm 1961, ba nhà lãnh đạo Trần Vân, Chu Ân Lai (hai Phó Chủ tịch Đảng) và Đặng Tiểu Bình (Tổng Bí thư, nhưng lại đứng hàng cuối cùng trong Thường vụ Bộ chính trị 6 người) được giao nhiệm vụ sửa sai và chấn chỉnh lại đường lối phát triển kinh tế. Sau thất bại của “Đại nhảy vọt” và “Công xã nhân dân”, một số địa phương đã bí mật tiến hành khoán sản cho nông dân để phục hồi sản xuất. Theo cách nói dân dã, đây là hình thức “khoán chui” góp phần cải thiện đáng kể đời sống của nông dân. Vận dụng câu nói cửa miệng của người Tứ Xuyên, ông Đặng Tiểu Bình từng phát biểu: “Bất kể mèo trắng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt” , ngụ ý đồng tình ủng hộ cách “khoán chui” của nông dân. Tiếp đó ngày 7/7/1962, khi tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình lại nhắc lại câu nói trên và được cho là người khởi xướng “Thuyết mèo trắng, mèo đen”. Khi đó, ông Đặng chưa hề nghĩ đến việc sau này “ba lần bị lột bỏ hết mọi chức vụ trong đảng và chính quyền” vì cái “thuyết con mèo” thực dụng của mình.
Do “khoán chui” bị kết tội là “đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, nên Đặng Tiểu Bình cũng bị kết tội “chống lại đường lối của đảng”, “đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”. Một lần, tại Hội nghị trung ương, ông Mao Trạch Đông đã từng phê phán Đặng Tiểu Bình “không nắm vững chủ trương tiến hành đấu tranh giai cấp của Đảng”, “tự ý đi theo con đường khác”. Thậm chí, ông Mao còn mắng “thằng lé thằng lùn chống lại Đảng”. Thực ra, ông Mao nhắm vào Đặng Tiểu Bình vì ông này “vừa lé, vừa lùn”. Năm 1966, trong Cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình bị phê phán là "tên số hai trong đảng đi theo chủ nghĩa tư bản", rồi bị lột hết mọi chức vụ lần thứ nhất.
Năm 1969, Đặng Tiểu Bình bị kết tội lần thứ 2 là theo chủ nghĩa xét lại và bị lưu đày cải tạo lao động tại tỉnh Giang Tây.
Năm 1973, Thủ tướng Chu Ân Lai thuyết phục được Chủ tịch Mao Trạch Đông phục hồi chức vụ cho Đặng Tiểu Bình. Ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi Phó Chủ tịch Đảng. Về mặt chính quyền, ông trở lại cương vị Phó Thủ tướng, rồi Phó Thủ tướng thứ nhất. Khi Chu Ân Lai lâm bệnh nặng, Đặng Tiểu Bình chủ trì công việc của Quốc vụ viện. Thế nhưng, đến năm 1976, sau khi Thủ tướng Chu Ân Lai mất, “bè lũ bốn tên” nắm thực quyền ở Trung Quốc là Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn gán cho Đặng Tiểu Bình cái tội đi theo chủ nghĩa tư bản và bị Chủ tịch Mao Trạch Đông cách chức lần thứ ba, chỉ còn lại danh hiệu đảng viên và hộ khẩu Bắc Kinh.
Sau khi “bè lũ bốn tên” bị lật đổ, Đặng Tiểu Bình được khôi phục tất cả các chức vụ: Phó Chủ tịch Đảng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng. Tuy chưa bao giờ là nguyên thủ quốc gia hay đứng đầu chính phủ, nhưng Đặng Tiểu Bình chính là người cầm quyền trên thực tế ở Trung Quốc từ cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1990. Ông Đặng chủ trương cải cách mở cửa Trung Quốc theo hướng “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” và bắt đầu thực hiện chủ thuyết “mèo trắng, mèo đen” rất thực dụng của mình.
Nhờ chính sách thực dụng của Đặng Tiểu Bình, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ suốt ba thập kỷ qua, đưa GDP từ 364,5 tỷ nhân dân tệ (1978) lên 30.000 tỷ NDT (2008) và 4.909 tỷ USD năm 2009 (xếp thứ ba thế giới). Năm 1985 tạp chí “Times” của Mỹ bình chọn Đặng Tiểu Bình là nhân vật có ảnh hưởng trên thế giới vì có công đưa ra “thuyết con mèo”.
Tuy nhiên, “thuyết con mèo” phản ánh rất rõ chủ nghĩa thực dụng của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình . Để đạt được mục đích của mình, “thuyết con mèo” không từ bất kỳ một thủ đoạn nào… “miễn là bắt được chuột”.
Kiều Tỉnh
(TamnhinNet)
|