Thường những cuộc hôn nhân không hạnh phúc là bởi vợ chồng không nghe thấy tiếng từ trái tim của nhau.
Ta trách người vô tâm cũng là bởi ta không nghe thấy tiếng trái tim của họ. Nhưng đã bao giờ ta thổ lộ cho người nghe tiếng trái tim của ta? Hay vì ta sợ sến súa, ta nghĩ là phù phiếm, ta bắt họ phải căng tai lên mà nghe, ta chẳng có nghĩa vụ phải nói, yêu ta, họ phải tự mà biết lắng nghe. Đến đơn giản như câu: Em yêu anh/ Chồng yêu vợ mà đã bao lâu rồi ta quên chưa nói?
Để người nghe thấy tiếng tim ta là trách nhiệm của ta chứ không phải nghĩa vụ của người. Vợ chồng mà, sao sợ sến súa? Ta cứ làm mẫu đi, vài lần đầu hơi khó nhưng nhiều lần thành quen, thành nghiện nghe đấy. Bắt đầu bằng cho người nghe thấy tiếng tim yêu, bằng ghi nhận tích cực của tim ta về những gì người đã làm, bằng cả những thôi thúc của trái tim ta với người.
Để người nghe thấy tim ta thì ta cũng học cách lắng nghe tim người. Nghe tim họ chứ đừng chỉ nghe lời họ nói. Có những người chồng, người vợ tim nói thế này nhưng miệng lại thế khác. Trong tiếng cằn nhằn của vợ là trái tim thiết tha yêu chồng. Trong sự im lặng của chồng cũng có khi là rất nhiều lời trái tim muốn nói. Tại sao chúng ta cứ sợ chồng nghe thấy mình yêu anh ta, vợ biết được tim ta đầy ắp vợ?
Tôi luôn tin rằng việc chúng ta cưới nhau đều xuất phát từ trái tim hơn là từ toan tính. Nhưng rồi sống với nhau chúng ta lại giấu đi trái tim mình. Vì ta không nghe thấy tiếng tim nhau nên ta dần đóng chặt tim mình lại. Đúng là có những người chồng, người vợ chẳng có trái tim khiến ta cố nghe mãi chỉ thấy những tiếng thở dài của chính mình vọng lại. Bởi trong lồng ngực kia của họ là khoảng không rỗng tuếch. Nhưng thật buồn nếu như trái tim họ vẫn đó chỉ là ta chẳng chịu nghe, trái tim ta vẫn đây, mà ta chẳng chịu để họ nghe được. Rồi thì hôn nhân này thành vắng lặng, vô ngôn.
Cuối cùng, trái tim này của ta ơi, không có nhẽ, ta cứ để nó thành trái tim câm vậy sao?
VietBF@sưu tập